Bệnh nhiệt miệng ở trẻ nhỏ sẽ khiến cho trẻ luôn cảm thấy đau đớn, ăn không ngon, ngủ không yên. Điều này là nỗi lo lắng lớn đối với nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ mắc nhiệt miệng. Vậy cách chữa và phòng tránh bệnh tái phát thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nhiệt miệng vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố sau rất dễ gây ra nhiệt miệng:
- Vô tình làm tổn thương niêm mạc miệng (chẳng may cắn phải má, môi)
- Nhiễm virus, vi khuẩn.
- Hệ miễn dịch của trẻ suy giảm.
- Thiếu vitamin và khoáng chất trong cơ thể.
- Do căng thẳng, stress.
Biểu hiện nhiệt miệng ở trẻ
Cha mẹ có thể quan sát thấy bằng mắt thường khi trẻ bị nhiệt miệng như:
- Trong niêm mạc miệng xuất hiện một vài đốm trắng nhỏ, kích thước khoảng 1-2mm và lan rộng ra 8-10mm.
- Sau một vài ngày, đốm nước vỡ ra và tạo thành vết loét, chúng có hình tròn hoặc bầu dục, xung quanh có viền đỏ.
- Vết nhiệt thường xuất hiện ở môi, nướu, má trong, lưỡi,…
Bên cạnh đó, trẻ có những dấu hiệu bất thường như:
- Trẻ nhỏ chảy dãi nhiều hơn, hay đưa tay lên miệng.
- Trẻ biếng ăn, bỏ ăn do đau hoặc khó chịu.
- Trẻ cảm thấy khó chịu và thường xuyên quấy khóc, ngủ không ngon.
- Thân nhiệt của trẻ cao hơn so với bình thường hoặc trẻ có thể sốt nhẹ.
Cách chữa nhiệt miệng cho trẻ tại nhà an toàn
Cha mẹ có thể tham khảo một số cách chữa nhiệt miệng cho trẻ dưới đây:
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối là cách chữa nhiệt miệng lành tính, an toàn mà ai cũng có thể áp dụng được. Nước muối có tính sát khuẩn, kháng viêm rất tốt giúp làm giảm đau, lành nhanh vết nhiệt miệng. Ngoài ra, súc miệng bằng nước muối thường xuyên làm ngăn ngừa các bệnh về răng miệng.
Các mẹ sử dụng nước muối sinh lý hoặc tự pha nước muối loãng với tỉ lệ 0,9%. Cho trẻ súc miệng khoảng 15-30 giây rồi nhổ đi. Thực hiện cách này khoảng 2-3 lần/ ngày sẽ thấy vết loét nhanh lành hơn.
Ăn sữa chua
Trong thành phần của sữa chua có chứa hàng tỷ lợi khuẩn rất tốt cho sức khỏe của con người. Ăn sữa chua hàng ngày giúp làm cân bằng vi khuẩn trong khoang miệng, tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm đau tại vết loét do nhiệt miệng gây ra. Các mẹ nên cho trẻ ăn từ 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày để bệnh nhiệt miệng nhanh khỏi hơn.
Uống bột sắn chữa nhiệt
Theo Đông y, bột sắn có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc làm mát cơ thể. Chúng thường được sử dụng để chữa các bệnh như mụn nhọt, rôm sảy, nhiệt miệng,…
Các mẹ nên cho trẻ uống bột sắn dây hòa tan với nước đun sôi để nguội, trẻ nên uống 2 lần/ ngày. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên nấu bột sắn dây với nước sôi đến khi sánh mịn để cho trẻ ăn.
Uống nước rau má
Trong thành phần của rau má có chứa hoạt chất Triterpenoids có tác dụng làm lành nhanh vết thương, trị nhiệt miệng hiệu quả. Ngoài ra, chất oxy hóa có trong rau má sẽ giúp làm se vết loét nhanh chóng.
Cha mẹ cần chuẩn bị một nắm rau má đã rửa sạch. Sau đó đem đi xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt cho trẻ uống trực tiếp. Thực hiện cách này trong vài ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Chữa nhiệt miệng bằng mật ong
Đây là phương pháp dân gian chữa nhiệt miệng được nhiều người biết đến nhất. Theo nghiên cứu, mật ong có chứa defensin-1 giúp làm giảm đau, ức chế vi khuẩn và làm lành nhanh vết thương. Bên cạnh đó, trong mật ong có nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Hơn thế nữa, vị ngọt của mật ong rất dễ dàng cho trẻ sử dụng.
Mẹ sử dụng mật ong nguyên chất bôi trực tiếp lên vết nhiệt cho trẻ. Để cho mật ong thẩm thấu khoảng 2-3 phút rồi cho trẻ súc miệng lại với nước ấm. Mẹ nên áp dụng cách này cho trẻ sau khi ăn xong hoặc trước khi đi ngủ, thực hiện khoảnh 2-3 lần/ ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
Phòng nhiệt miệng tái phát ở trẻ
Để tránh nhiệt miệng tái phát lại nhiều lần, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là điều cần thiết để bảo vệ khoang miệng khỏi virus, vi khuẩn gây hại. Nên cho trẻ đánh răng tối thiểu 2 lần/ ngày vào sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn. Cho trẻ sử dụng bàn chải có đầu lông mền và chú ý thay bàn chải đánh răng định kỳ 3-4 tháng/ lần.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin để cơ thể tăng cường sức khỏe. Nên cho trẻ ăn những thực phẩm có tính mát như rau xanh, cà chua, cam, hoa quả tươi,… Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày tùy theo nhu cầu cơ thể để giúp thanh lọc cơ thể, đặc biệt là các loại nước uống nhiều vitamin C (nước cam, chanh, ổi, bưởi,…) sẽ giúp vết nhiệt mau lành hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm gây kích ứng niêm mạc miệng như: đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm có gia vị cay nóng,…
Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Cha mẹ nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi của trẻ hợp lý, cho trẻ vui chơi, tập thể dục nhẹ nhàng. Hạn chế cho trẻ thức khuya, tránh làm trẻ căng thẳng, stress.
Khi nào cần cho trẻ đi khám?
Các trường hợp nhiệt miệng ở trẻ em thường không phải là bệnh nguy hiểm và có thể tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên có vài trường hợp nhiệt miệng nặng hơn thì bạn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.
- Sốt cao.
- Vết nhiệt không se lại mà ngày càng lan rộng hơn.
- Nổi hạch bạch huyết.
- Đau tức vùng bụng.
- Đi đại tiện ra lẫn máu hoặc chất nhầy.
Khi đến khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng nhiệt miệng cùng với các biểu hiện đi kèm để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với thể trạng của trẻ. Chình vì thế, các mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ chặt chẽ để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.