Theo một nghiên cứu tại Úc, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ trong thời gian từ 6 tháng trở lên có ít nguy cơ bị mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý hơn trong những năm sau này.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em Telethon tại Perth đã theo dõi 2.336 trẻ sơ sinh của các bà mẹ tham gia vào một nghiên cứu về phụ sản tại bang Tây Úc.
Mỗi cháu bé đều trải qua sự đánh giá về tình trạng sức khỏe tâm lý vào các độ tuổi 2, 5, 8, 10 và 14.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp cho trẻ đề kháng tốt hơn với sự căng thẳng, đồng thời thắt chặt tình mẹ-con, và điều này có thể đem lại nhiều lợi ích lâu dài.
“Nuôi con bằng sữa mẹ trong một thời gian dài hơn cho thấy những lợi ích rõ nét về… mặt tâm lý khi trẻ vào tuổi vị thành niên”, theo tiến sĩ Wendy Oddy, người chỉ đạo cuộc nghiên cứu, đã viết trong Tạp chí Nhi khoa.
Trong số những trẻ em tham gia vào cuộc nghiên cứu này: 11% các em chưa bao giờ bú sữa mẹ, 38% bú sữa mẹ ít hơn 6 tháng, và hơn một nửa số em bú sữa mẹ từ 6 tháng trở lên.
Các bà mẹ cho con bú ít hơn 6 tháng là những bà mẹ trẻ hơn, có trình độ học vấn thấp hơn, điều kiện kinh tế kém hơn, bị nhiều căng thẳng hơn, và có xu hướng hút thuốc nhiều hơn các bà mẹ cho con bú lâu hơn.
Họ cũng có nguy cơ mắc chứng suy nhược hậu sản cao hơn và con của họ có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề về phát triển hơn.
Trong mỗi đánh giá, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các trẻ em được bú sữa mẹ trong thời gian ngắn hơn thường có nhiều biểu hiện hành vi xấu hơn, có thể dẫn đến sự hung hãn hay suy nhược.
Tuy nhiên, với mỗi tháng trẻ được bú sữa mẹ lâu hơn, thái độ này càng được cải thiện.
Các nhà nghiên cứu cho biết nuôi con bằng sữa mẹ từ 6 tháng trở lên có liên hệ tích cực tới sức khỏe tâm lý và sự cân bằng của bé và trẻ vị thành niên, kết luận này đã tính đến những hiệu chỉnh về các yếu tố xã hội, kinh tế, và tâm lý cũng như các biến cố đầu đời.
Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: “Những can thiệp nhằm tăng thời gian nuôi con bằng sữa mẹ có thể đem lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe tâm lý của trẻ em cũng như trẻ vị thành niên”.