Gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến và có thể gặp ở bất kì ai, bất kì giới tính nào. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bệnh nhân hoang mang khi được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Vậy nên làm gì nếu phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ?
Mục lục
Gan nhiễm mỡ là tình trạng gì?
Gan nhiễm mỡ là hiện tượng chất béo ở dạng trigylceride tích tụ trên 5% thể trọng của gan.
Gan nhiễm mỡ được chia thành hai loại, gồm:
- Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
- Gan nhiễm mỡ do rượu (ARLD)
Tình trạng này được chia thành 3 độ nhiễm mỡ như sau:
- Độ 1. Lượng mỡ chiếm 5-10% tổng trọng lượng lá gan
- Độ 2. Lượng mỡ chiếm 10-20% tổng trọng lượng lá gan
- Độ 3. Lúc này lượng mỡ đã chiếm đến hơn 30% tổng trọng lượng lá gan
Cả gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu đều tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ tích tụ mỡ ở gan, dần tiến triển thành viêm gan, sẹo gan và cuối cùng là xơ gan, ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Giai đoạn đầu, tình trạng tích tụ mỡ ở gan chưa gây nhiều nguy hiểm và chưa ảnh hưởng đến chức năng gan. Bởi lúc này lớp mỡ mới chỉ tích tụ xung quanh bề mặt gan. Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển và người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
➤ Viêm gan. Viêm xảy ra khi gan cố gắng tự sửa chữa các mô bị tổn thương do sự tích tụ mỡ. Nếu số lượng mô bị tổn thương tăng lên, gan sẽ phải hoạt động nhiều hơn để sửa chữa đủ nhanh, điều này có thể khiến mô bị viêm hình thành sẹo. Khi mô sẹo bắt đầu hình thành và phát triển, quá trình này được gọi là xơ hóa.
➤ Xơ hóa. Xơ hóa xảy ra khi mô sẹo xuất hiện trong gan và trong cách mạch máu xung quanh gan. Lúc này gan vẫn có thể hoạt động khá tốt. Nếu người bệnh phát hiện ở giai đoạn này vẫn có thể ngăn chặn bệnh tiến triển thêm hoặc thậm chí đảo ngược một số tổn thưởng ở gan. Còn nếu không được điều trị kịp thời, theo thời gian mô sẹo sẽ thay thế dần mô gan bình thường, chức năng gan dần bị ảnh hưởng, dần dần dẫn tới xơ gan.
➤ Xơ gan. Xơ gan xảy ra khi mô sẹo xuất hiện nhiều, làm chức năng gan suy giảm. Cuối cùng, gan không thể hoạt động bình thường được nữa. Khi bước vào xơ gan giai đoạn cuối, xơ gan có thể dẫn đến suy gan và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, chúng có thể đe dọa tính mạng của bạn.
Cách phát hiện gan nhiễm mỡ
Dựa vào các triệu chứng
Gan nhiễm mỡ thường không gây bất kì triệu chứng gì cho tới khi bệnh bắt đầu tiến triển. Càng về giai đoạn sau, các triệu chứng càng dễ phát hiện.
Dưới đây là một số triệu chứng gan nhiễm mỡ thường gặp:
- Đau bụng hoặc cảm giác đầy bụng ở phía hạ sườn phải
- Buồn nôn, chán ăn, sụt cân
- Da và lòng trắng của mắt hơi vàng (vàng da, vàng mắt)
- Sưng bụng và chân
- Luôn cảm thấy mệt mỏi cùng cực
- Tinh thần hoang mang
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt
- Xuất hiện các cụm mạch máu giống như mạng nhện dưới da
- .v.v.
Tuy nhiên các triệu chứng này thường không điển hình và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.
Dựa vào các xét nghiệm
Để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị gan nhiễm mỡ hay không, cần dựa vào các xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh. Thông thường, người bệnh hay tình cờ phát hiện bị gan nhiễm mỡ khi tới viện để điều trị một vấn đề khác hoặc khi làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kì.
Dưới đây là một số xét nghiệm giúp chẩn đoán gan nhiễm mỡ:
- Xét nghiệm men gan aspartate aminotransferase (AST)
- Xét nghiệm alanin aminotransferase (ALT)
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh gan, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để xác định chính xác tình trạng này là gì:
- Siêu âm gan
- Chụp CT
- Quét MRI
- FibroScan
- Sinh thiết gan
- .v.v.
Nên làm gì nếu phát hiện bị gan nhiễm mỡ?
Như đã thấy ở trên, gan nhiễm mỡ là căn bệnh tuy không gây chết người ngay nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế, khi phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ, bạn không được chủ quan mà nên nghe tư vấn từ bác sĩ để có phương hướng điều trị kịp thời và chính xác.
Hiện nay, có một số phương pháp để điều trị gan nhiễm mỡ như sau:
- Thay đổi lối sống
- Sử dụng thuốc
- Phẫu thuật
➤ Thay đổi lối sống
Đây là phương pháp điều trị đầu tiên đối với bệnh gan nhiễm mỡ. Tùy thuộc vào tình trạng hiện tại và thói quen lối sống của bạn, bác sĩ có thể khuyên bạn một hoặc nhiều điều dưới đây:
- Giảm cân
- Giảm hoặc bỏ uống rượu
- Không hút thuốc lá
- Ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít calo dư thừa, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Tránh dùng thuốc và thực phẩm chức năng gây hại cho gan của bạn
- Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm gan A, viêm gan B.
➤ Sử dụng thuốc
Hiện nay, chưa có loại thuốc nào được công nhận để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:
– Thuốc điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu. Vitamin E, Pioglitazone, Statin,…
– Thuốc điều trị gan nhiễm mỡ do rượu. Thuốc đối kháng opioid, thuốc chống oxy hóa, thuốc chống viêm, thuốc giảm xơ hóa, disufiram, các loại vitamin,…
➤ Phẫu thuật
Khi gan nhiễm mỡ tiến triển sang xơ gan, suy gan, ung thư gan, phương pháp điều trị lúc này chỉ có thể là cắt bỏ gan hoặc ghép gan. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của bạn.
– Cắt bỏ gan. Cắt gan là phẫu thuật để loại bỏ một phần của gan. Đây là một ca phẫu thuật lớn và nghiêm trọng, vì thế chỉ nên được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có tay nghề và kinh nghiệm
– Ghép gan. Ghép gan là thủ thuật loại bỏ một lá gan không còn hoạt động bình thường và thay thế nó bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng đã qua đời hoặc một phần gan khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống.
Trên đây là một số thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ. Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh và biết nên làm gì nếu phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ.