Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải các bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là trong thời điểm giao mùa. Những bệnh này tuy không nguy hiểm và có thể phòng ngừa nếu trẻ được chăm sóc tốt. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về các bệnh đường hô hấp thường gặp.
Mục lục
Vì sao trẻ hay bị bệnh về hô hấp?
Hệ hô hấp được tính từ cửa mũi đến các phế nang trong phổi. Đây là cơ quan tiếp xúc với không khí nên khi gặp bất lợi từ môi trường như: vi khuẩn, virus, nấm mốc, khói bụi,… thì đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp chiếm nhiều hơn so với các bệnh khác. Đặc biệt là khi thời tiết giao mùa, độ ẩm và không khí thay đổi thất thường chính là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh hô hấp hoạt động mạnh mẽ.
Thêm vào đó, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiệ, còn khá non yếu nên rất dễ mắc các bệnh về hô hấp. Nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách, bệnh có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh về hô hấp ở trẻ:
- Nguyên nhân trực tiếp: Nhiễm vi khuẩn, virus, các yếu tố dị nguyên và các chất gây hại ở môi trường sống.
- Nguyên nhân gián tiếp: Sức đề kháng kém từ đó làm tăng khả năng xâm nhập của các tác nhân gây hại.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tìm được những yếu tố cơ địa khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn như:
- Nhịp thở của trẻ: Trẻ thường thở nhanh, dồn dập, đối với trẻ dưới 5 tuổi thì sẽ vào khoảng 40 nhịp, còn người lớn chỉ 16 nhịp/ phút. Do đó trẻ có nguy cơ hít vào nhiều vi khuẩn gây bệnh hơn.
- Do hệ hô hấp chưa hoàn thiện: Hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên các lớp bảo vệ còn yếu, khó tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, đường thở của trẻ hẹp và ngắn nên trẻ phải hít mạnh và nhanh làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Hệ miễn dịch kém: Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn hạn chế nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây hại.
Các bệnh lý về hô hấp thường gặp ở trẻ
Dưới đây là một số bệnh lý về hô hấp thường gặp ở trẻ.
Cảm cúm
Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các chủng virus cúm A, B, C gây ra. Trong đó virus cúm A, B thường có tính lây lan mạnh và dễ bùng phát thành dịch. Căn bệnh này tăng cao vào thời điểm giao mùa, mỗi năm ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
Các triệu chứng của cảm cúm rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, cụ thể như: Sốt, mệt mỏi, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau họng, trẻ khó chịu, bỏ ăn, nôn mửa và tiêu chảy.
Cảm lạnh
Bệnh thường do virus Rhinovirus gây ra và dễ lây nhiễm từ người sang người khi hắt hơi, ho hoặc hít phải virus. Trung bình mỗi năm, trẻ có thể mắc cảm lạnh khoảng 10 lần. Khi gặp được điều kiện thuận lợi, virus sẽ phát triển và gây ra những triệu chứng như: hắt hơi, ho, chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, đau họng,…
Đa số trẻ bị cảm lạnh chỉ cần chăm sóc và điều trị triệu chứng thì bệnh sẽ khỏi sau khoảng vài ngày. Bởi vậy phụ huynh cần tránh cho trẻ uống thuốc cảm không kê đơn bởi có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi.
Viêm họng
Viêm họng là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến ở trẻ, đây là tình trạng sưng, phù nề ở niêm mạc họng. Trẻ mắc viêm họng sẽ đi kèm với những triệu chứng như: ho, sốt, đau rát họng,… Bệnh này cần được điều trị sớm nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não,… Do vậy nếu thấy có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
Viêm amidan
Khi vi khuẩn tấn công ồ ạt khiến cho amidan phải làm việc quá sức sẽ dẫn đến tình trạng amidan bị sưng đỏ. Đây là triệu chứng đặc trưng của viêm amidan cấp, bệnh này thường do vi khuẩn gây ra và chiếm tỉ lệ cao ở trẻ. Việc điều trị viêm amidan chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh và tăng cường sức đề kháng. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi nguyên nhân bệnh do vi khuẩn hoặc bệnh có khả năng biến chứng.
Viêm amidan có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Bởi vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh, bạn nên cho trẻ đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách.
Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh về phổi có thể gây ra những triệu chứng như: ho khan, tức ngực, thở gấp, khó thở, thở khò khè hoặc ran rít khi thở ra. Đây là bệnh có nguy cơ cao gây viêm phế quản hoặc viêm phổi ở trẻ. Một số nguyên nhân gây ra cơn hen suyễn như: phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật,…
Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nặng hơn nếu không được điều trị sớm. Vậy nên cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ, nếu thấy có những triệu chứng trên thì nên cho trẻ đến bệnh viện để thăm khám, từ đó sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp..
Viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh do virus gây ra và có thể thường xuất hiện sau khi người bệnh bị cảm lạnh hoặc cúm. Khi các tác nhân xâm nhập sẽ khiến cho đường hô hấp bị sưng viêm, tăng tiết dịch và gây tắc nghẽn. Phụ huynh sẽ thấy trẻ có những triệu chứng như: ho, tức ngực, sổ mũi, ớn lạnh, sốt, đau họng, thở khò khè, mệt mỏi.
Viêm phổi
Số lượng trẻ em mắc viêm phổi và tử vong do viêm phổi ở Việt Nam được xếp vào 1 trong 15 quốc gia cao nhất thê giới với số liệu thống kê. Mỗi năm có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc bệnh và 4000 trẻ tử vong. Trẻ sẽ có những triệu chứng khởi phát như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi… Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì sẽ gây ra những triệu chứng như: khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt,… Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thì sẽ có triệu chứng sốt hoặc không sốt, hạ thân nhiệt, bỏ bú và dần dần bị suy hô hấp nặng.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám nếu có những triệu chứng như: mặt tím tái, li bì, khó đánh thức, co giật, suy dinh dưỡng… Nguy hiểm hơn là trẻ có thể tử vong nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh hô hấp ở trẻ
Cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp dưới đây để ngăn ngừa trẻ mắc bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
- Nên giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết, nhất là vùng cổ, ngực.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Bổ sung chế độ ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Tăng cường nhiều loại rau củ, trái cây tươi,… để nâng cao sức đề kháng.
- Uống nhiều nước ấm, tùy vào nhu cầu của cơ thể trẻ.
- Hạn chế ăn thực phẩm lạnh như kem, đá,… nếu muốn ăn đồ trong tủ lạnh cần bỏ ra ngoài nhiệt độ phòng khoảng 30 phút.
- Không nên cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các vấn đề về hô hấp.
- Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, tránh dùng tay.
- Hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng bởi đây là điểm xâm nhập của nhiều loại virus gây bệnh.
- Cho trẻ đi tiêm phùng cúm mỗi năm một lần để phòng bệnh.
Kết luận
Trên đây là các loại bệnh về hô hấp ở trẻ thường gặp. Bệnh rất dễ phát hiện nếu cha mẹ lưu ý theo dõi sức khỏe của con em mình. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu và biết thêm những cách phòng tránh bệnh về hô hấp ở trẻ.