Liên hợp quốc đánh giá cao việc Việt Nam chính thức áp dụng Nghị định 34 của Chính phủ trong an toàn giao thông đường bộ kể từ ngày 20/5, trong đó nhấn mạnh yêu cầu trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi đi lại bằng xe máy.
Ước tính 4.000 ca tử vong thương tâm và hàng nghìn trường hợp thương tích nghiêm trọng ở trẻ em mỗi năm, phần lớn trong số này liên quan tới việc đi lại bằng xe máy, các thương tích giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và thương tật ở trẻ em.
“Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng không có bằng chứng nào cho thấy đội mũ bảo hiểm là nguy hiểm cho cổ của trẻ. Trái lại, đội mũ bảo hiểm chất lượng tốt, cài quai mũ đúng cách trên thực tế là cách hiệu quả duy nhất nhằm giảm thương tích vùng đầu và tử vong từ các vụ va chạm xe máy và xe đạp”, Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết.
Thống kê của Bộ Y tế chỉ ra rằng từ khi Luật mũ bảo hiểm quốc gia có hiệu lực vào năm 2007, hơn 6.800 trẻ em dưới 15 tuổi đã phải nhập viện do chấn thương não, hậu quả của các vụ va chạm giao thông đường bộ.
“Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người. Mũ bảo hiểm cho trẻ em có ở mọi nơi và đã được chứng minh là giúp giảm đáng kể nguy cơ chấn thương não. Theo như luật mới này, nếu một em nhỏ không đội mũ bảo hiểm đúng cách thì người điều khiển phương tiện đang chở em nhỏ đó sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng”, ông Jesper Morch, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong ba quốc gia duy nhất trên thế giới có tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm được xây dựng đặc biệt dành cho trẻ em. Điều này có thể giúp các bậc cha mẹ tin tưởng rằng việc trẻ em đội mũ bảo hiểm mỗi ngày khi đi lại bằng xe máy là rất thích hợp và đúng đắn.
WHO và UNICEF mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác trong lĩnh vực quan trọng này, hướng tới mục tiêu chung là giảm tối đa tai nạn gây chết người trong quá trình tham gia giao thông.