Chắc hẳn khi thấy đau bụng dưới bên trái nổi cục cứng không ít người hoang mang lo lắng: đây là tình trạng gì, liệu như vậy có bị làm sao không? Để giải tỏa băn khoăn này, mời bạn đọc tham khảo những thông tin dưới đây.
Đau bụng dưới bên trái có cục cứng là bị bệnh gì?
Viêm đại tràng co thắt
Hội chứng ruột kích thích hay còn được gọi là đại tràng kích thích, đại tràng co thắt, bệnh đại tràng chức năng… Bệnh bao gồm một nhóm rối loạn chức năng đường tiêu hóa mạn tính, dễ tái phát nhưng không gây tổn thương tại ruột. Cho tới nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Các bác sĩ cho rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: stress, ăn uống không điều độ, nhiễm trùng ruột…
Sở dĩ bệnh gây ra triệu chứng đau bụng dưới bên trái có cục cứng bởi các cục cứng là những đoạn ruột co thắt, tăng nhu động ruột và bị gồ lên, chúng có thể biến mất rồi lại nổi lên. Ngoài vị trí ở bụng dưới bên trái, cục cứng còn có thể nổi lên ở bụng dưới bên phải hoặc trên rốn… Hiện tượng cục cứng nổi lên thường đi kèm với đau bụng và một số dấu hiệu:
- Đi ngoài tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi xen kẽ cả táo bón và tiêu chảy.
- Phân có mủ nhầy.
- Sôi bụng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
Hội chứng ruột kích thích tuy không nguy hiểm nhưng các triệu chứng dễ tái phát, kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Để điều trị bệnh, bác sĩ thường dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh để ngăn ngừa triệu chứng bệnh bùng phát.
U xơ tử cung
U xơ tử cung còn được gọi là u tử cung. Đây là khối u lành tính phát triển dưới niêm mạc, trong lớp cơ hoặc bên ngoài tử cung của phụ nữ. U xơ tử cung được hình thành do sự tăng sinh của các mô cơ (cơ trơn) tạo nên thành tử cung. Chúng đa dạng về kích thước từ 0,1 – hơn 20cm.
Thông thường, khi khối u xơ tử cung nhỏ, chúng hầu như rất ít dấu hiệu. Khi khối u xơ tử cung to lên, bạn có thể tự sờ nắn thấy khối u cục cứng ở một bên hố chậu và kèm theo một số dấu hiệu:
- Đau âm ỉ bụng dưới bên trái hoặc phải.
- Bụng chướng hơi, đầy bụng, to bất thường.
- Chu kì kinh kéo dài.
- Tiểu nhiều, tiểu rắt.
- Đau lưng.
- Khí hư nhiều.
U xơ tử cung thường là khối u lành tính nhưng nó cũng gây ảnh hưởng không ít tới sức khoẻ chị em như: chức năng thận suy giảm, dễ sảy thai, vô sinh… Vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, chị em nên duy duy trì trọng lượng cơ thể và khám phụ khoa thường xuyên. Bên cạnh đó, chị em nên áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và tập luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ góp phần giảm nguy cơ bị u xơ tử cung.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là khối u dạng nước, bên trong chứa dịch, bên ngoài có vỏ bọc (gọi là vỏ nang), chúng phát triển bất thường bên trong hoặc trên buồn tử cung. Nếu xuất hiện đau bụng dưới bên trái có cục cứng có thể bạn đã mắc u nang buồng trứng. Ngoài ra, bệnh có thể kèm theo một số dấu hiệu:
- Đau tức bụng, đau âm ỉ vùng bụng dưới.
- Đau vùng chậu, thắt lưng.
- Bụng dưới to, đầy hơi, có thấy sờ thấy khối u.
U nang buồng trứng đa phần là lành tính nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ngoài ra, nếu chị em thấy liên tục đầy hơi, buồn nôn có thể đây là dấu hiệu cảnh báo tế bào ác tính ở buồng trứng ở buồng trứng do các khối u ác tính không vỡ, sẽ biến chứng thành ung thư gây hoạt tử và nhiễm trùng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đau bụng dưới bên trái có cục cứng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín thăm khám để được xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị từ sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm khó lường. Bên cạnh đó, nếu tình trạng này kéo dài, gây khó chịu và kèm theo một số triệu chứng dưới đây, bạn cần đi khám ngay lập tức:
- Đau bụng quặn từng cơn.
- Bụng cảm thấy nặng nề.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn.
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Cải thiện đau bụng dưới bên trái có cục cứng?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải có cục cứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp cơn đau không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo và áp dụng một số biện pháp sau để làm dịu cơn đau:
Áp dụng mẹo tại nhà
1. Chườm ấm:
Chườm ấm là phương pháp được nhiều người áp dụng trong hầu hết các trường hợp đau bụng. Nhiệt độ ấm từ túi chườm giúp giảm đau bụng dưới, giãn cơ bụng, lưu thông máu, điều hòa nhu động ruột, giảm cơn đau bụng do hội chứng ruột kích thích.
Để thực hiện phương pháp chườm ấn, bạn chỉ cần sử dụng khăn nhúng nước ấm, dùng túi chườm cắm điện hoặc dùng chai lọ đổ nước ấm vào trong, chườm lên vị trí đau và nổi cục sẽ giúp giảm triệu chứng đau nhanh chóng.
2. Massage bụng:
Massage bụng là biện pháp nhẹ nhàng, không xâm lấn và mang lại nhiều tác dụng với sức khỏe như: giúp thư giãn, giảm đau bụng, đầy hơi, hỗ trợ các vấn đề về tiêu hoá… Để thực hiện phương pháp massage, bạn chỉ cần:
Ngồi tựa lên trên ghê hoặc nằm thoải mái, xoè 2 bàn tay, xoa vào nhau cho ấm rồi dùng tinh dầu hoặc dầu ấm xoa trực tiếp lên bụng theo chiều kim đồng hồ. Massage bụng tối thiểu 10 – 15 phút. Khi massage tập trung vào hơi thở, hít vào thở ra nhẹ nhàng.
Lưu ý: Tránh massage khi vừa ăn no hoặc vừa phẫu thuật vùng bụng, nên uống nhiều nước sau khi massage.
3. Uống trà thảo dược
Từ lâu, trà thảo dược được mọi người sử dụng giúp dịu nhanh cơn đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Một số loại trà thảo dược giúp bạn loại bỏ tình trạng đau bụng dưới bên trái có cục cứng có thể kể đến như: trà bạc hà, trà cam thảo, trà gừng, trà hoa cúc, trà mật ong… Cụ thể như sau:
- Trà cam thảo: Theo nghiên cứu của y học hiện đại, cam thảo giúp giảm đau bụng nhanh chóng bởi chúng có khả năng tạo ra lớp nhầy bảo vệ niêm mạc hệ tiêu hoá trước sự tấn công của vi khuẩn. Ngoài ra, cam thảo còn có khả năng giảm co thắt, giải độc, mát gan rất hiệu quả.
- Thà bạc hà: Trong lá bạc hà có tinh dầu và methol giúp thư giãn các cơ ruột, giảm cảm giác đau nhận được ở các dây thần kinh. Vì vậy, bạc hà là loại thảo dược giúp làm dịu nhanh các triệu chứng đau trong cơ thể, trong đó có cả đau bụng.
- Trà gừng: Trong gừng có chứa hoạt chất gingerols và shogaol giúp giảm đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn.
4. Ngồi thiền:
Ngồi thiền giúp ổn định tâm trạng, xoa dịu căng thẳng thần kinh, từ đó kiểm soát hiệu quả cơn đau bụng hay stress mệt mỏi. Nếu bạn ngồi thiền đều đặn cũng sẽ giúp cải thiện những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá.
Bạn có thể ngồi thiền hằng ngày bằng cách: Lựa chọn thời gian nhất định trong ngày, chọn địa điểm yên tĩnh, tập trung ngồi thiền mỗi ngày từ 15 – 20 phút, bạn sẽ thấy tinh thần và sức khoẻ tốt lên mỗi ngày.
Sử dụng thuốc
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng bên trái có cục cứng kèm theo tình trạng sức khoẻ mà có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay theo dõi chăm sóc đặc biệt.
Nguyên nhân do u xơ tử cung:
Nếu bệnh biểu hiện nhẹ sẽ được kê thuốc giảm đau như: ibuprofen hoặc acetaminophen, bổ sung sắt, thuốc tránh thai… Trường hợp u xơ tử cung có kích thước lớn kèm theo triệu chứng: rong kinh, chèn ép, vô sinh… bác sĩ có thể phẫu thuật mổ u xơ tử cung. Việc lựa chọn cách thức can thiệp phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và dựa vào các yếu tố sau đây: kích thước, vị trí khối u xơ tử cung, rong kinh, chảy máu, chèn ép, đau, vô sinh…
Nguyên nhân do u nang buồng trứng:
Với những trường hợp đau bụng dưới bên trái có cục cứng là những khối u như u nang buồng trứng, sau khi xác định tính chất khối u nang buồng trứng, kích thước khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hay phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc áp dụng phương pháp làm co rút khối u, xạ trị hoặc hoá trị.
Nguyên nhân do hội chứng ruột kích thích:
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị hội chứng ruột kích thích. Việc điều trị tập trung vào triệu chứng và phòng ngừa diễn biến nặng và biến chứng có thể xảy ra. Một số thuốc bác sĩ thường dùng để điều trị bệnh như:
- Thuốc giảm đau: pregabalin, gabapentin, ibuprofen, acetaminophen.
- Thuốc giảm co thắt cơ: Spasmaverine, Actapulgite, Pepto-Bismol… giúp giảm đau bụng, giảm co thắt và tăng trương lực cơ ở trực tràng.
- Thuốc chống táo bón: Linaclotide, Lubiprostone.
- Thuốc trị tiêu chảy: Loperamide, Vinacode.
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc chống trầm cảm…
Chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Việc thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng đau bụng dưới bên phải và ngăn ngừa triệu chứng tái phát. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Nên bổ sung đầy đủ nước, theo khuyến cáo, bạn nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày.
- Bổ sung rau củ, trái cây tươi giúp bổ sung chất xơ, vitamin.
- Tránh ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị cay, nóng.
- Nên ăn chín, uống sôi, tránh ăn những loại thực phẩm tái, sống.
- Tránh các loại nước nhiều đường, nước đóng chai, nước có ga.
- Tránh bia, rượu, thuốc lá.
- Nên cân bằng thời gian và làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
- Tăng cường vận động, luyện tập thể thao thường xuyên giúp hệ tiêu hoá hoạt động khoẻ mạnh hơn.
- Nên khám sức khoẻ định kì nhằm phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh, giúp rút ngắn thời gian điều trị và tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Như chia sẻ bên trên, đau bụng dưới bên trái có cục cứng có thể là dấu hiệu một số bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi thấy xuất hiện triệu chứng, bạn cần tới bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát nhé.