Sau khi sinh, tinh thần và thể chất của người phụ nữ có nhiều thay đổi. Trong đó tình trạng đau bụng dưới bên phải sau sinh là triệu chứng không ít sản phụ gặp phải và cảm thấy lo lắng về tình hình sức khỏe của bản thân. Vì vậy, để lý giải băn khoăn này, mời chị em cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục qua thông tin dưới đây nhé.
Mục lục
Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải sau sinh
Sau sinh từ 1 tuần đến 6 tháng, chị em thường gặp phải cơn đau bụng dưới bên phải. Tùy theo cơ địa từng người mà cơn đau có thể âm ỉ hay đau quặn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Co thắt tử cung
Đau co thắt tử cung là nguyên nhân phổ biến của chị em sau sinh, triệu chứng này thường xảy ra trong tuần đầu sau khi sinh, cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Nguyên nhân của cơn co thắt tử cung là khi mang thai, tử cung người mẹ giãn nở theo từng giai đoạn của thai nhi. Sau khi sinh xong, tử cung sẽ co thắt để trở về kích thước ban đầu trước khi mang thai. Quá trình co thắt sẽ vô tình gây ra các cơn đau bụng dưới, đau cả bên trái và bên phải khiến mẹ mệt mỏi.
Ngoài ra, khi cho bé bú, cơ thể người mẹ kích thích giải phóng oxytocin, một loại hormone kích thích tử cung co bóp khiến cơn đau tăng mạnh hơn.
Giãn dây chằng sinh lý
Khi mang thai, hầu hết chị em đều tăng cân do thai nhi lớn dần, cơ thể mẹ cũng cần nạp thêm năng lượng để nuôi dưỡng em bé. Vì vậy, cân nặng mẹ thay đổi, các dây chằng, xương khớp và xương chậu phải giãn nở tối đa để nâng đỡ thai nhi và cơ thể. Trong khoảng thời gian đầu sau khi sinh, cơ thể người mẹ chưa lấy lại được sự cân bằng ban đầu nên gây ra tình trạng đau bụng dưới bên phải hoặc trái phần hông và lưng.
Do tư thế cho con bú
Khi mới sinh con, mọi thứ với mẹ còn mới mẻ, lạ lẫm nên khi cho bé bú, mẹ thường tập trung cúi nhìn con, muốn bé được bú thoải mái nhất. Tư thế này kéo dài vô tình khiến cơ cổ của mẹ bị căng, đau mỏi lưng và co bóp cơ bụng sẽ dẫn tới tình trạng đau bụng dưới bên trái và phải. Vì vậy, tư thế bú cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải sau khi sinh dễ gặp nhất.
Do đau vết mổ đẻ
Đau bụng dưới bên phải sau khi sinh có thể bắt nguồn từ vết mổ đẻ hoặc rạch tầng sinh môn bị viêm nhiễm nếu mẹ không biết cách chăm sóc hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đau bụng dưới bên phải sau sinh do vận động mạnh, đi lại, làm việc nặng nhọc hoặc quan hệ tình dục sớm khiến tử cung bị tổn thương.
Bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo, sau sinh, chị em không nên vận động mạnh, làm việc quá sức hay quan hệ tình dục quá sớm. Thông thường, chị em nên nghỉ ngơi khoảng 4 – 8 tuần thì mới có thể tiếp tục sinh hoạt như bình thường.
Thiếu can xi
Quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ thiếu hụt một lượng canxi rất lớn vì nuôi dưỡng thai nhi. Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu không cung cấp đủ canxi cần thiết cho sự chuyển hóa canxi vào xương và những thay đổi hormone trong cơ thể thì đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt canxi. Em bé càng lớn, lượng canxi cần bổ sung càng nhiều. Nếu canxi trong cơ thể mẹ không đủ cũng là nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải hoặc trái sau sinh. Khi đó, bạn có thể gặp triệu chứng đau âm ỉ, đau quặn bụng rất khó chịu.
Mới cấn bầu
Sau khi sinh, dù chu kỳ kinh nguyệt chưa quay trở lại thì chị em vẫn có thể tiếp tục mang thai. Thời kì đầu mang thai, vùng tử cung và cổ tử cung thay đổi để phù hợp với quá trình mang thai. Hai tuần sau khi trứng được thụ tinh sẽ đi vào tử cung và bám vào thành tử cung của phụ nữ. Khi đó, chị em sẽ có cảm giác đau nhói vùng bụng dưới bên trái và bên phải. Tuy nhiên, những triệu chứng này không gây quá nhiều phiền phức và chú ý. Để xác định chính xác mình có thai hay không, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra hoặc thử bằng que thử thai tại nhà nhé.
Xem thêm: Đau bụng dưới bên phải có phải dấu hiệu mang thai không?
Do táo bón
Sau sinh, cơ thể người mẹ yếu, đau mỏi nên ít vận động. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của mẹ sau sinh cũng được tẩm bổ nhiều dinh dưỡng, chất xơ ít, chất đạm nhiều khiến bạn dễ bị táo bón. Ngoài ra, khi mang thai và sau sinh, sản phụ thường bổ sung sắt, canxi và khoáng chất cũng khiến khó hấp thu dẫn đến táo bón.
Hơn nữa, sau khi sinh, vết khâu chưa lành, vết rạch tầng sinh môn đau rát khiến việc đi đại tiện khó khăn hơn, từ đó người mẹ dễ có tâm lý ngại đi đại tiện, nhịn đại tiện, lâu dần dễ gây táo bón sau sinh.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Sau quá trình sinh nở, mẹ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vệ sinh vùng kín chưa kĩ hoặc vi khuẩn xâm nhập trong quá trình vượt cạn nên dễ gặp triệu chứng đau bụng dưới bên trái hoặc phải. Ngoài ra, sau sinh, bàng quang của chị em bị chèn ép khi mang thai vẫn chưa trở về kích cỡ ban đầu nên dễ gặp hiện tượng đau bụng dưới, tiểu ít, đau rát và tiểu thường xuyên. Triệu chứng này nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm trùng thận.
Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, sau sinh chị em nên uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rái, thoải mái, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, nên đi tiểu khi có cảm giác buồn tiểu nhé.
Xem thêm: Một số cách phòng ngừa nhiễm khuẩn sau sinh
Đau bụng dưới bên phải sau sinh có nguy hiểm không?
Đau bụng dưới sau sinh hay còn gọi là đau hậu sản, đau co thắt tử cung giúp tử cung. Thông thường, các cơn đau co thắt tử cung giúp co giãn tử cung về vị trí ban đầu trong khoảng 6 tuần sẽ không còn tình trạng đau này nữa. Sau khi sinh con lần đầu, cơn đau, tức bụng dưới bên phải thường không kéo dài. Nếu chị em sinh con lần hai thường đau nhiều và dai dẳng hơn lần đầu bởi tử cung hoạt động nhiều hơn để trở về trạng thái như ban đầu.
Đau bụng dưới bên phải, trái sau khi sinh thường gây nhiều mệt mỏi và phiền toái cho mẹ. Tuy nhiên, cơn đau co thắt này là dấu hiệu tốt giúp tử cung co thắt và giúp giảm quá trình xuất huyết âm đạo sau sinh. Khi nuôi con bằng sữa mẹ, quá trình cho con bú sẽ gây ra cơn đau mạnh hơn bởi khi bé bú sẽ kích thích hormone oxytocin giúp tử cung co lại nhanh hơn.
Ngoài ra, đau bụng dưới bên phải sau sinh cũng có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu táo bón, thiếu canxi hay do vết mổ, chị em nên có chế độ ăn uống khoa học và vệ sinh sạch sẽ sẽ hạn chế được tình trạng này. Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu bất thường, chị em nên đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Như đã chia sẻ bên trên, đau bụng dưới bên phải sau khi sinh có thể gây phiền toái cho mẹ sau sinh nhưng nó cũng là dấu hiệu tốt giúp giảm bớt xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bình thường. Nếu chị em gặp phải một số triệu chứng dưới đây sau khi sinh thì cần đến viện để kiểm tra ngay lập tức, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra:
- Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng dưới rốn.
- Sốt, đau đầu, buồn nôn.
- Khó thở, tức ngực.
- Dịch âm đạo bất thường.
- Chảy máu âm đạo nhiều, ồ ạt, máu có màu đỏ tươi.
- Quanh vết mổ đẻ hoặc vết rạch tầng sinh môn sưng tấy, đỏ, căng.
Cần làm gì khi đau bụng dưới bên phải sau sinh?
Sau khi sinh, tử cung của bạn cần trải qua quá trình co bóp để dần nhỏ lại, cơn đau sẽ dần biến mất sau khoảng vài tuần. Nếu cơn đau bụng dưới bên phải sau sinh do táo bón, tư thế cho bé bú thì chị em chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, chỉnh lại tư thế cho bé bú để thoải mái nhất là triệu chứng dần cải thiện. Tuy nhiên, nếu đau bụng dưới bên phải do nhiễm trùng đường tiết niệu, chị em nên đi khám sớm để được điều trị, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, để giảm nhanh cơn đau bụng dưới bên phải sau sinh, chị em có thể tham khảo một số cách dưới đây:
Chườm ấm
Chườm ấm là phương pháp thông dụng giúp giảm đau bụng do nhiều nguyên nhân. Bởi nhiệt độ nóng khi chườm giúp giãn mạch máu, lưu thông máu đồng thời làm tăng tuần hoàn máu, giảm các cơn co thắt gây đau bụng và giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn.
Bạn chỉ cần dùng túi chườm hoặc khăn mặt nóng chườm nên vùng bụng bị đau khoảng 20 phút sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Massage bụng
Massage bụng là phương pháp không xâm lấn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất là giảm đau bụng hiệu quả. Khi massage bụng, cơ thể sẽ tạo ra một loại hormone có tác dụng giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, massage bụng còn giúp lưu thông máu, tăng tuần hoàn máu, kích thích hoạt động ruột, cải thiện tình trạng tiêu chảy, táo bón, khó tiêu.
Để giảm đau bụng dưới bên phải sau sinh, chị em chỉ cần xoa bụng theo chiều kim đồng hồ nhẹ nhàng từ 5-10 phút. Có thể sử dụng dầu xoa bóp để tăng hiệu quả.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Khi bị đau bụng dưới bên phải sau sinh, chị em có thể sử dụng thuốc tây để giảm nhanh triệu chứng khó chịu. Chị em có thể tham khảo một số giảm đau để cải thiện các cơn đau co thắt kéo dài hoặc lựa chọn thuốc steroid hay gây tê có tác dụng giảm đau kéo dài hơn.
Ngoài ra, mẹ có thể dùng thuốc paracetamol để giảm đau, nếu thuốc không có tác dụng và cơn đau kéo dài trên một tuần, cơn đau khó chịu gây mệt mỏi thì chị em nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, tránh sử dụng thuốc quá liều gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé.
Chế độ ăn uống dinh dưỡng, khoa học
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học giúp mẹ sau sinh bổ sung dưỡng chất thiết yếu, bù đắp lại các khoáng chất mất đi trong quá trình sinh, đặc biệt là canxi. Để cải thiện tình trạng đau bụng dưới bên phải sau sinh, chị em có thể tham khảo một số gợi ý về chế độ ăn uống sau đây:
- Bổ sung nước đầy đủ, cho cơ thể, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày bao gồm nước đun sôi và các loại nước trái cây, sữa…
- Nên ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt như: lòng đỏ trứng, tim cật lớn, thị chim bồ câu…
- Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm giúp quá trình hấp thụ canxi tốt hơn như: nấm, thịt bò, ngũ cốc…
- Bổ sung đầy đủ vitamin C, khoáng chất bằng các loại trái cây như: chuối, cam, nho, táo…
- Chỉ ăn các loại thịt nạc, tránh thịt mỡ bởi dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
- Tránh ăn các loại thực phẩm lạnh, cay, nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ.
- Tránh nước đóng chai, nước có ga, các loại nước gây kích thích như cà phê.
- Nên vận động nhẹ nhàng giúp tử cung co hồi tốt, tống xuất sản dịch ra ngoài và hạn chế đau lưng, đau bụng.
Dành thời gian nghỉ ngơi
Sau khoảng thời gian dài mang thai và sinh con, cơ thể mẹ cần thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe cũng như những tổn thương trong quá trình sinh nở. Chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để phục hồi sức khoẻ và cải thiện tình trạng đau bụng dưới bên phải bằng một số gợi ý sau đây:
- Nên ăn ngủ đúng giờ, tâm sự với người thân hay chồng về những mệt mỏi, áp lực trong quá trình chăm sóc bé nếu có.
- Tránh làm việc nặng, hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc, xem phim thật thoải mái.
- Hãy nhờ chồng, người thân hoặc thuê người phụ giúp chăm sóc bé, dọn dẹp, nấu nướng để mẹ có thời gian chăm sóc bản thân và làm quen với việc chăm sóc bé.
Trên đây là những thông tin giúp mẹ lý giải nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải sau sinh và cách khắc phục. Nếu tình trạng đau bụng dưới bên phải sau sinh kèm theo một số triệu chứng bất thường hoặc cơn đau kéo dài rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Chị em nên nhanh chóng đi khám để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng khó lường nhé.