Một kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành và được công bố trên “Tạp chí dị ứng và miễn dịch trẻ em” cho biết trẻ sơ sinh uống các loại thuốc kháng sinh hay thuốc giảm đau paracetamol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh eczema sau này.
Tiến sỹ Luis Garcia-Marcos thuộc Đại học Murcia nói rằng phát hiện này không có nghĩa là các bậc cha mẹ tránh sử dụng paracetamol hay ở Mỹ còn gọi là acetaminophen bởi vẫn chưa biết rõ liệu nguy cơ tăng cao phải thật sự do dùng các loại thuốc này gây nên hay do nguyên nhân nào khác.”
Tiến sỹ Luis và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu, thu thập các dữ liệu về việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh hay giảm đau ở 13.900 trẻ em trong độ tuổi từ sáu đến bảy tuổi.
Kết quả cho thấy những trẻ em trong vòng một tuổi được các bậc cha mẹ cho uống paracetamol có nguy cơ mắc bệnh eczema cao hơn 56%, trong khi đó những đứa trẻ uống kháng sinh thì tỷ lệ nguy cơ thậm chí còn cao hơn, lên tới 66%.
Tuy nhiên, tác động đối với nguy cơ bệnh eczema cũng khác nhau ở những trẻ em có các triệu chứng hen suyễn, mắt mũi chảy nước. Khi những đứa trẻ này được cho uống paracetamol, không phải thuốc kháng sinh, khi chúng còn sơ sinh, không phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh eczema tăng cao.
Khi kết hợp cho uống cả paracetamol và thuốc kháng sinh, mới phát hiện nguy cơ tăng cao, thậm chí đối với cả những đứa trẻ không bị hen suyễn hay triệu chứng mắt, mũi chảy nước.
Tiến sỹ Luis cho biết điều này nói lên rằng đối với những đứa trẻ bị dị ứng, thuốc kháng sinh có thể là nhân tố quyết định trong việc liệu có phát triển triệu chứng eczema hay không. Dù vậy, các bậc cha mẹ không nên lo lắng.
Paracetamol là một loại thuốc rất an toàn và đã được dùng từ lâu, không phát hiện thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc dùng loại thuốc này với các hiệu ứng phụ, Tiến sỹ Luis nói. Eczema còn gọi là bệnh chàm – một bệnh da dị ứng mạn tính. Việc điều trị bệnh này đến nay vẫn là một điều khó khăn.
Tổn thương của bệnh eczema có các đặc trưng như khởi đầu trên bề mặt da sẩn đỏ, lấm tấm nhiều hạt nước nhỏ, người bệnh ngứa gãi nhiều; có thể chảy nước vàng do gãi, đóng vảy trên các tổn thương. Nếu bóc vảy, sẽ để lộ làn da bị đỏ, có nhiều vết xước, tổn thương này được gọi là “giếng chàm.”
Bệnh có thể trở thành mạn tính, da dày lên, ngứa gãi nhiều. Nhiều trường hợp bội nhiễm gây viêm da mủ, hoặc nhiễm trùng ác tính, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Bệnh tiến triển từng đợt, kéo dài từ một đến hai năm