Còn 10 ngày nữa mới đến 1/6 nhưng tại các nhà hát, lịch diễn phục vụ trẻ em trong những ngày tới đã dày đặc. Các nghệ sĩ nổi tiếng cũng chạy sô hết cỡ để phục vụ các “thượng đế nhí”.
Đầu tư nhiều hơn cho kịch
Hàng năm, cứ đến ngày này, dù bận nhiều sô nhưng cặp đôi Xuân Bắc và Tự Long vẫn dành thời gian đầu tư công sức để có một sản phẩm thực sự hấp dẫn phục vụ trẻ em. “Ben – cậu bé biến thể”, được hai nghệ sĩ lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình “Ben 10” đang được khán giả nhí chú ý. Xuân Bắc sẽ “cưa sừng làm nghé” để vào vai Ben 10 tuổi, nhút nhát mơ làm anh hùng, lạc vào xứ sở thần tiên và được tặng chiếc đồng hồ có khả năng biến người đeo thành siêu nhân. Trong khi đó, tại hành tinh Gorm, “lãnh chúa” Tự Long có âm mưu thống trị Trái đất đã phái một đội quân đến trường của Ben để phá phách…
Vở kịch dùng nhiều kỹ xảo công nghệ như quả nổ, đèn plasma… để tạo hiệu ứng về hình ảnh nền. Dù vậy, với giá vé từ 80-130 nghìn đồng, mỗi bé lại kèm theo bố hoặc mẹ là không hề thấp với nhiều gia đình. Dù vậy, Tự Long cho biết, số tiền thu được từ bán vé cũng chỉ hoà vốn vì mức đầu tư kinh phí khá lớn. Bù lại, hai nghệ sĩ này cho biết, vở diễn sẽ tiếp tục đến với trẻ em các tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang… chỉ với giá 20 nghìn đồng/vé.
Một cảnh trong “Bầy quỷ và viên ngọc thần”.
|
Ở phía Nam, từ ngày 23/5 – 20/6, đoàn xiếc TPHCM sẽ phục vụ các “thượng đế nhí” vở kịch xiếc “Bầy quỷ và viên ngọc thần” của tác giả – đạo diễn Hoàng Duẩn. Đây là vở diễn đầu tiên kết hợp các loại hình nhạc – kịch – xiếc – rối, dàn dựng công phu nhằm mang lại một tác phẩm chất lượng dành tặng trẻ em trong dịp hè và ngày Quốc tế thiếu nhi.
“Bầy quỷ và viên ngọc thần” là câu chuyện giàu màu sắc cổ tích: Một lũ quỷ bóng đêm hành hạ dân làng. Điền và nhóm bạn chó vàng, cò trắng đi tìm ông Bụt nhờ giúp đỡ. Trên đường đi, cả nhóm đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhóm bạn này đã giúp rắn biển chiến thắng cá sấu hung dữ. Rắn có viên ngọc thần mà không biết giúp đỡ người khác nên chưa thành rồng được. Khi hiểu ra điều này, rắn đã đưa viên ngọc quý cho Điền và các bạn đánh đuổi bọn quỷ bóng đêm. Sau đó, viên ngọc biến thành một cô gái xinh đẹp cất tiếng hát góp vui cho mọi người.
Câu chuyện nêu trên được kể một cách khéo léo với nhiều chiêu thức mới lạ: Diễn viên xiếc diễn kịch, diễn viên kịch trổ tài làm xiếc, những màn ảo thuật ngộ nghĩnh. Đặc biệt, đạo diễn chú trọng yếu tố tương tác với khán giả. Các bé đến xem vở diễn sẽ song hành cùng các nhân vật trên đường đi tìm Bụt và góp phần sáng tạo vào câu chuyện. Hoàng Duẩn tâm niệm rằng: “Dựng vở cho thiếu nhi, yếu tố giáo dục cần đặt lên hàng đầu. Làm sao để các em vui cười thoải mái, nhưng tiếng cười phải có ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ và giới tính, giúp các em hình thành nhân cách”.
Vở kịch này được đầu tư, dàn dựng công phu, kinh phí xấp xỉ 500 triệu đồng, nhiều đạo cụ được đặt hàng tại Trung Quốc. 30 diễn viên xiếc đã phải tập luyện cật lực cùng các nghệ sĩ kịch, ca sĩ để có sự phối hợp ăn ý khi vở diễn mở màn từ ngày 23/5. Vở diễn quy tụ nhiều gương mặt ca sĩ, nghệ sĩ quen thuộc với trẻ em như: Ngọc Trinh, Quốc Thuận, Bảo Trí… và các ca sĩ Bảo Thy, Thanh Ngọc, Lương Bích Hữu. Ngoài ra, còn có dàn diễn viên xiếc của đội xiếc Bầu Trời Xanh, diễn viên múa rối, các vũ đoàn, nhóm ca múa nhạc thiếu nhi.
4 suất/ngày vẫn thiếu
Với Nhà hát Tuổi trẻ, dù không chuyên về kịch thiếu nhi nhưng hầu như năm nào cũng dàn dựng một vở để mãn nhãn trẻ. Vở “Cáo và Rùa” hầu như đã kín hợp đồng của các tổ chức, nhà trường. Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết: Dù diễn 3 suất/ngày, trong vòng 15 ngày liên tục, nhưng Nhà hát vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Trong khi đó với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các suất diễn còn quá tải hơn nữa. Phó Giám đốc Phạm Xuân Quang cho biết: Với giá vé hợp lý từ 70 nghìn đồng/vé (buổi tối) và 30 nghìn đồng/vé (ban ngày), từ ngày 20/5 trở đi, rạp xiếc luôn được diễn 4 suất/ngày mới đáp ứng hết nhu cầu thưởng thức của trẻ em. Cao điểm nhất là từ 25/5 đến 1/6. Nhưng từ 25/5 cho đến ngày chính lễ, rạp sẽ không nhận các hợp đồng xem tập thể nữa vì nếu nhận tiếp thì sẽ không thể đáp ứng cho lượng khách đơn lẻ.
Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của trẻ em những ngày này quá cao, trong khi địa điểm vui chơi ở Hà Nội và TPHCM không nhiều nên sẽ là một thiệt thòi cho trẻ em khuyết tật khi các chương trình này chỉ đến với các em sau ngày 1/6. Các nhà hát khi được hỏi về kế hoạch phục vụ trẻ em thiếu may mắn đều cho biết, sẽ không phục vụ trong những ngày này vì ngoài những suất diễn ở nhà hát, các diễn viên còn tranh thủ chạy sô bên ngoài để tăng thu nhập.
Thưởng thức kịch ở Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010
Năm nay, Ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng là dịp diễn ra Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 với sự tham gia của 40 nghệ sĩ quốc tế và 100 nghệ sĩ VN. Đây là cơ hội và là sân chơi mới cho trẻ em được thưởng thức các vở kịch với nhiều màu sắc khác nhau của nhiều nền văn hoá khác nhau như: “Những giấc mơ của ông bà” (Nhà hát múa rối Ka-bông, Lào); “Mơ, mơ, đừng có mơ!” (Nhà hát kịch Nakama, Nhật Bản); “Chạy chạy chạy” (Nhà hát kịch Masil, Hàn Quốc); “Ông nội và chiếc kèn harmonica trong mơ” (Nhà hát kịch câm Pantomimteatern, Thụy Ðiển). Các nghệ sĩ chủ nhà góp mặt với các vở: “Vì sao thuồng luồng hóa rồng” của Hoàng Duẩn (Nhà hát Kịch TPHCM); “Nàng Hến” của đạo diễn Hoàng Tuấn (Nhà hát múa rối Thăng Long) và các tiết mục rối cạn của Nhà hát Múa rối VN; chương trình ca nhạc tạp kỹ “Ngôi nhà của bé” – Nhà hát Tuổi Trẻ. Liên hoan diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ và Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội từ 24/5 đến 1/6.