Trong số lao động hàng năm đổ về TPHCM, có không ít người dắt theo con nhỏ. Cuộc sống gia đình đầy những khó khăn do người lớn mãi tất bật với chuyện “cơm áo, gạo tiền” nên nhiều em phải chịu thua thiệt so với bạn bè đồng trang lứa.
Ghé vào khu nhà trọ nằm khuất trong một con hẻm nhỏ quanh co trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), ở đây có sáu, bảy đứa trẻ khoảng 5 – 13 tuổi đang túm tụm chơi đùa. Chúng tôi bắt chuyện với một em tên Luận, nó nhanh nhảu nói: “Năm nay con 12 tuổi, năm trước ở quê con học lớp 1 nhưng khi cha mẹ con đi TP làm thì con nghỉ học để đi theo”. Nói rồi nó hớn hở khoe thêm: “Cha mẹ con nói sang năm sẽ cho con đi học lại”.
Một số em nhỏ phải sớm lao động khi theo cha mẹ nhập cư.
Hỏi chuyện những đứa khác, đứa thì chưa từng đi học, đứa chỉ mới học được lớp 1 hay lớp 2, rồi phải nghỉ ngang khi cha mẹ rời quê kiếm sống. Tại khu nhà trọ khác cách đó một quãng, chị Nguyễn Thị Thang cho biết, gia đình chị từ An Giang lên TPHCM đã được 6 năm, khi đó hai con trai đang học lớp 6 và lớp 5 phải nghỉ học để theo cha mẹ. Chị chỉ vào cô con gái út đang đứng cạnh và nói: “Lúc mới lên vợ chồng tôi cũng ráng cho nó đi học để biết chữ nhưng hơn năm nay tôi bị bệnh không đi làm được, nên lại phải cho nó nghỉ”.
Chúng tôi gặp hai mẹ con chị Trương Thị Hằng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) khi họ đang ngồi nghỉ mệt sau một ngày rong ruổi bán vé số. Thật bất ngờ khi chị cho biết đứa con đã được 9 tuổi, bởi trông nó bé loắt choắt chỉ như trẻ mới 5 tuổi. Hỏi chuyện học hành của con, chị thoáng buồn: “Hai mẹ con đi bán như vầy chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thấy đời mình dốt thật khổ, lắm khi đi bán bị lạc đường vì không biết chữ nên cũng muốn cho con đi học biết chữ để sau này bớt khổ nhưng đành chịu”.
Tại nhiều khu nhà trọ khác, chuyện học hành của các em gần như đều lâm vào cảnh “buồn” như nhau. Phần lớn được cho đi học rất muộn nhưng thường phải bỏ ngang, thậm chí nhiều em còn chưa từng được cắp sách tới trường. Chuyện vui chơi cũng chẳng khá hơn. Tuy mang tiếng đến TP sống, nhưng không ít em chưa hề biết đến công viên là gì, bởi như một phụ huynh thừa nhận: “ Tụi tôi phải đi làm suốt ngày, thời gian đâu?”.
Thường ngày, đứa bé quá được gởi chỗ trông trẻ, còn lại các em chỉ biết tụ tập chơi cùng nhau quanh quẩn khu nhà trọ. Đói thì đã có cơm cha mẹ nấu để sẵn, tự lấy mà ăn. Thật đáng ngại khi cả khu nhà trọ vắng mặt người lớn, nếu chẳng may trong lúc chơi đùa có tai nạn gì thì chẳng biết các em sẽ xoay xở ra sao? Lớn hơn một chút, khi các em có thể đi phụ việc lặt vặt thì phải đi làm kiếm tiền để giúp đỡ cha mẹ. Đứa bán vé số, đứa nhặt ve chai, đứa phụ bưng bê…
Theo thống kê, TPHCM hiện có hơn 1,6 triệu trẻ em, trong đó số trẻ em theo cha mẹ đến thành phố kiếm sống chiếm số lượng không nhỏ. Có thể nói cái khó, cái nghèo đã không cho số trẻ em nhập cư này được hưởng “những gì tốt đẹp nhất”. Rồi như cái vòng luẩn quẩn, lớn lên không được học hành, các em lại tiếp tục bị thua thiệt khi ra ngoài xã hội, rất dễ tiếp nối cảnh “ được bữa nay, lo bữa mai” như cha mẹ mình hoặc tệ hơn thì có thể làm những chuyện phạm pháp! Do đó, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan, tổ chức xã hội… mở thêm những trường tình thương, trường nghề dành cho đối tượng này nhằm giúp các em bớt phần nào thiệt thòi, để cuộc sống sau này của các em sẽ tốt đẹp hơn.