“Năm nào cũng vậy, cứ vào kỳ nghỉ hè, số lượng bệnh nhi bỏng lại gia tăng. Nguyên nhân là do các cháu không phải đến trường trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, không có sự quản lý của gia đình khiến trẻ dễ bị bỏng bởi điện cao thế khi trèo cây bắt chim, bỏng điện dân dụng trong nhà. Gần đây cũng xuất hiện trẻ bị bỏng khi gia đình đi du lịch như bỏng bếp gas, nồi nẩu, hỏa hoạn tai nạn xe cộ…” – TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia cho biết.
Trong những ngày này, tại khoa Bỏng trẻ em đang có 50-60 bệnh nhân bị bỏng, nhiều nhất là các cháu từ 1-5 tuổi. Cái nắng nóng mùa hè như càng làm những vết thương của các cháu nhỏ bị bỏng thêm phần nhức nhối, khó chịu. Tiếng gào khóc, những thân hình vẫn còn bé nhỏ được quấn băng kín nằm lọt thỏm trên giường, sự đau khổ, nhăn nhó của bố mẹ là hình ảnh thường thấy tại đây. Ca nặng nhất hiện nay là cháu Đặng Quốc Trường, 9 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên bị bỏng do điện cao thế, phải cắt cụt cả hai cánh tay. Bộ phận sinh dục của cháu cũng bị hỏng hoàn toàn. Cháu bị bỏng 24% cơ thể, với độ sâu 4-5%.
Cùng phòng với em còn có 3 bệnh nhi khác hiện vẫn còn sốt cao do bị bỏng nước. Bé Nguyễn Phương Mai, 10 tháng tuổi, Hà Đông, Hà Nội được bà bế sang nhà hàng xóm chơi, trong lúc người lớn mải nói chuyện, bé bò đến phích nước sôi mà không ai biết. Bé bị bỏng 23%. Đáng chú ý là trường hợp cháu Nguyễn Sĩ Đức, 11 tháng, ở Nghệ An. Do một phút bất cẩn, bé phải hứng cả ca nước chè nóng khi chơi cùng với người anh, khiến bé bị bỏng toàn thân, đồng thời bị nhiễm khuẩn máu và suy dinh dưỡng.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, trẻ bị bỏng chủ yếu do những tác nhân như bỏng điện, bếp ga, nước sôi. Bỏng điện là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, nạn nhân thường là trẻ em nông thôn, trên dưới 10 tuổi. Ngày hè các cháu thường thả diều dưới đường điện cao thế, diều mắc vào gây phóng điện hoặc trẻ trèo lên gỡ diều và bị điện giật. Cũng có trường hợp, bé chọc tay vào ổ điện phải cắt cả bàn tay.
Bên cạnh đó là bỏng canh, cháo và đồ uống nóng cũng hay gặp trong mùa hè do thời gian trẻ ở nhà nhiều hơn, lại thiếu sự giám sát của người lớn. Bỏng nồi cơm sôi khi các cháu tò mò sờ tay vào lỗ thông khí cũng có nguy cơ bị mất ngón tay. Cũng theo bác sĩ Tuấn, bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn nhiều bởi sức đề kháng của trẻ kém, dễ bội nhiễm. Do trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên khi bị bỏng nhiều trường hợp sẹo gây co kéo khiến cơ thể bị biến dạng khi lớn lên.
Trẻ bị bỏng cũng dễ bị suy dinh dưỡng và sức khỏe yếu. Theo nghiên cứu, hiện trẻ em chiếm 50% trong số gần 50.000 ca bỏng mỗi năm tại Việt Nam, trong đó gần 1/3 là bỏng nặng và một nửa trong số đó là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ bị bỏng thường rất sợ hãi, hoảng loạn nên điều trị tâm lý khi bỏng cũng là một vấn đề. Với những ca bỏng nặng, bệnh nhân bị sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp, khó thở, cần được phòng sốc kịp thời và nhập viện, nếu không trẻ có thể tử vong.
Điều đáng nói nữa, với các bệnh nhi bỏng, điều trị di chứng sau bỏng cũng gây tốn kém và khó khăn không nhỏ. Nhiều trường hợp bị bỏng gây biến dạng toàn bộ vùng mặt, mũi co kéo gây cản trở đường thở, sẹo lồi khắp người, cơ quan sinh dục không còn hình thù, dính ngón tay, dính cổ khiến trẻ vận động khó và biến dạng đốt sống cổ nếu trẻ bị bỏng vùng cổ. Hiếm bệnh nhân nào chỉ điều trị một lần mà hầu hết phải làm nhiều lần, có trường hợp phải phẫu thuật đến chục lần mà vẫn chưa giải quyết được hết các di chứng, khiến các chức năng và hình thể không thể phục hồi được hoàn toàn.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ dễ để lại di chứng sau bỏng là trẻ không được sơ cứu đúng cách kịp thời, thậm chí phản tác dụng. Hiện nay, rất nhiều trường hợp người lớn vẫn sử dụng những biện pháp truyền thống như bôi nước mắm, bôi giấm, kem đánh răng, đắp lá cây khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng và là nguyên nhân để lại di chứng nặng nề sau bỏng khi ra viện.
Vì vậy, theo lời khuyên của các bác sĩ, để kỳ nghỉ hè được an toàn, các bậc cha mẹ cần có người luôn bên cạnh trẻ, tuyệt đối không cho trẻ tới gần những thứ có thể gây bỏng. Sau khi trẻ bị bỏng, trừ bỏng hóa chất cần xả nước lạnh vào chỗ bỏng từ 15-20 phút liên tục để hạ nhiệt độ phần vết bỏng, tránh để trẻ bỏng sâu. Tiếp đó, dùng tấm vải sạch băng bó lại để vết bỏng không bị phồng rộp và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân bỏng điện bị ngừng tim, ngừng thở đột ngột, cần tách ngay ra khỏi nguồn điện, nằm tại chỗ trên nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân thở lại mới đưa đi cấp cứu.