Sáng 25-5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) chủ trì với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế như Unicef, Plan, đại diện Sở LĐ-TB-XH một số tỉnh, thành trong cả nước.
Tại cuộc hội thảo, kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ từ dự án đến cộng đồng tại các địa phương đã được trao đổi thẳng thắn.
Sau một năm triển khai thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em tại 120 xã/phường thuộc 15 tỉnh, thành phố, nhận thức, thái độ và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đáp ứng yêu cầu của công tác này được cải thiện rõ rệt. Nhiều tỉnh thành đã ban hành các chính sách, chương trình riêng nhằm huy động nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em như UBND tỉnh Quảng Ninh đã duy trì được nguồn ngân sách ổn định 1% trong tổng ngân sách thường xuyên của địa phương cho việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã bố trí cán bộ làm công tác gia đình và trẻ em cấp xã với mức phụ cấp 1,0 mức lương tối thiểu…
Trong thời gian qua, đã có bẩy Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh được UBND các tỉnh, thành phố có quyết định thành lập, hai Văn phòng công tác xã hội trẻ em cấp quận, huyện được củng cố và hoạt động. Kết quả thí điểm cho thấy, tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm đáng kể, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp kịp thời, câc vấn đề nổi cộm như xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực đối với trẻ em tại các địa phương này được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, do các điều kiện để vận hành hệ thống còn chưa đầy đủ nên một số chức năng của hệ thống còn hạn chế.
Tại An Giang, một trong các địa phương tiến hành thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em bị ngược đãi trong gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do là một tỉnh giáp biên với Campuchia nên tình trạng trẻ lang thang, trẻ em bị xâm hại tính mạng, nhân phẩm, danh dự, bị buôn bán, nghiện hút ma tuý, vi phạm pháp luật đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Nhiều trẻ em chưa được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của mình như chưa được đăng ký khai sinh, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, kỹ năng sống… Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng với mạng lưới ở các cấp xã, phường, thị trấn tại tỉnh An Giang chủ yếu tiến hành các hoạt động phòng ngừa các hành vi gây tổn hại trẻ em, phục hồi cho trẻ khi đã bị tổn hại và hỗ trợ trẻ tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, cán bộ tại cấp xã phường vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Cộng tác viên cấp cơ sở còn yếu, chủ yếu tập trung vào công tác dân số, do đó công tác gia đình trẻ em bị xem nhẹ.
Tại phường Phạm Ngũ Lão quận 1 và phường 11 quận Bình Thạnh – hai địa bàn thí điểm triển khai thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em của thành phố Hồ Chí Minh, nhiều biện pháp chăm sóc bảo vệ trẻ được áp dụng. Ngoài việc thành lập mạng lưới chăm sóc trẻ từ trên xuống dưới, các phường cũng thành lập đội ngũ cộng tác viên người lớn và trẻ em, thu thập thông tin trên địa bàn, tổ chức công tác truyền thông tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ, phát hiện và tư vấn kịp thời các trường hợp xâm hại, bóc lột trẻ em. Về việc giải quyết các trường hợp khẩn cấp hoặc bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, dự án hỗ trợ kinh phí là 50.000/ca. Sau đó, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của từng ca mà dự án sẽ hỗ trợ tiếp theo như hỗ trợ viện phí cho trẻ.
Không giống các tỉnh, thành khác, do đặc thù là tỉnh giáp biên Trung Quốc, nhiều tệ nạn xã hội tại địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh có tỷ lệ cao, chiếm 10% trên tổng số trẻ em toàn tỉnh. Tuy tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có tính chất vi phạm nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi do cha mẹ nhiễm HIV/AIDS, trẻ bị tử vong do nhiễm căn bệnh này gia tăng. Điều kiện, dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh này còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Ngoài việc củng cố mạng lưới cộng tác viên tại các thôn, khu, nhóm trẻ em nòng cốt gồm từ năm đến bẩy trẻ cũng được thành lập. Trong quá trình triển khai dự án, hệ thống quản lý thông tin dữ liệu trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở 100% xã, phường, thị trấn cũng được thành lập để theo dõi đối tượng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ.
Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em tại một số tỉnh, thành trên cả nước, Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em sẽ phối hợp cùng các tổ chức, ban ngành có liên quan bổ sung hoàn thiện các giải pháp để xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ thực sự hiệu quả cả về chất và lượng.