Năm 2008, dự án “Chăm sóc trẻ sơ sinh (TSS) tại Việt Nam” được Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam triển khai ở 2 huyện Như Thanh và Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Sau gần 2 năm, tỷ lệ TSS tử vong ở huyện Như Thanh giảm từ 2,19% (năm 2006) xuống còn 0,85% (năm 2009), Ngọc Lặc giảm từ 1,94% (năm 2006) xuống còn 1,44% (năm 2009).
Trẻ sơ sinh được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Nơi có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao
Nằm cách thành phố Thanh Hóa chưa đầy 50km về phía tây nhưng huyện miền núi Như Thanh lại là nơi có tỷ lệ TSS tử vong vào loại cao của tỉnh. Thống kê của trung tâm y tế huyện cho thấy, dân số của huyện là 87.000 người, trung bình mỗi năm có 1.078 trẻ ra đời, trong đó tỷ lệ TSS tử vong chiếm tới 2,19%.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh cho biết, địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Mường, Thái, Thổ… Trình độ dân trí của người dân thấp, nhiều nơi vẫn còn hủ tục lạc hậu trong sinh đẻ. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trung tâm y tế còn thiếu và yếu. “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng bệnh viện và các trạm y tế đều không có đầy đủ các trang thiết bị chăm sóc sơ sinh, đặc biệt là về hồi sức sơ sinh. Vì thế hầu hết các TSS bất thường đều phải chuyển tuyến trên. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ TSS tử vong”, ông Phụng nói.
Những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội ở huyện Như Thanh đã phát triển, nhưng nhiều phụ nữ vẫn không bỏ được hủ tục lạc hậu như đẻ con ở nhà, chiếm hơn 24% các ca sinh. Trong số ấy cũng chỉ có 29% có cán bộ y tế có kỹ năng tham gia đỡ đẻ và 11% trong số các ca đẻ có áp dụng tiếp xúc da kề để ủ ấm em bé sau khi sinh.
Cần một dự án như thế
Anh Nguyễn Văn Hải, cán bộ dự án “Chăm sóc TSS tại Việt Nam” cho hay, được sự tài trợ của Quỹ Bill và Melinda Gates (Mỹ), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam đã xây dựng dự án “Chăm sóc TSS tại Việt Nam”. Sau khi khảo sát và nghiên cứu, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam đã lựa chọn hai huyện Như Thanh và Ngọc Lặc để triển khai thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
Trong vòng 3 năm (2008-2011) với nguồn kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng, dự án hỗ trợ huyện Như Thanh và Ngọc Lặc xây dựng các phòng đơn nguyên sinh với các trang thiết bị hiện đại để chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho TSS, giảm tỷ lệ TSS tử vong; đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến trong chăm sóc sức khỏe TSS; nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh cho gia đình và cộng đồng… “Một trong những hoạt động trọng tâm của dự án là tổ chức các chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm thay đổi nhận thức của người dân. Hoạt động này thực hiện thông qua bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản… nên hiệu quả khá rõ rệt”, anh Hải tâm sự.
Sau gần hai năm triển khai, đến nay dự án đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan, không chỉ làm thay đổi về nhận thức và thực hành trong công tác chăm sóc sức khỏe TSS của các tầng lớp nhân dân (số bà mẹ sinh đẻ tại nhà giảm dần, hầu hết các sản phụ đẻ tại nhà đều được dùng túi đẻ sạch và có sự giúp đỡ của nhân viên y tế…) nên tỷ lệ TSS tử vong đã giảm rõ rệt. Tháng 10-2008, các phòng đơn nguyên sơ sinh được xây dựng và đi vào sử dụng, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn huyện Như Thanh và Ngọc Lặc được cải thiện, số bệnh nhi sơ sinh phải chuyển tuyến giảm hẳn. Nhiều TSS đẻ non, nhiễm khuẩn, sức khỏe rất yếu nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời, rồi đưa vào chăm sóc ở phòng đơn nguyên sơ sinh nên đã thoát khỏi lưới hái tử thần.
Dự án triển khai thí điểm tại 2 huyện mới được hơn nửa chặng đường nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần không nhỏ làm giảm tỷ lệ TSS tử vong. Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam sẽ nhân rộng dự án ra toàn quốc và như thế sẽ còn có rất nhiều gia đình nghèo được hưởng lợi.