Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học “The Lancet” của Anh ra ngày 24/5, tỷ lệ tử vong hàng năm trong trẻ em dưới năm tuổi trên thế giới đã giảm 60% trong vòng 40 năm qua.
Kết quả nghiên cứu này cũng cho biết trong 20 năm gần đây, con số tử vong trong trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi giảm liên tục, xuống còn 7,7 triệu em năm 2010 so với 11,9 triệu vào năm 1990.
Nghiên cứu cho biết mặc dù chưa đạt tới mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra trong kế hoạch phát triển Thiên niên kỷ, bởi số trường hợp tử vong trong trẻ em, nhất là ở các quốc gia nghèo nhất, vẫn còn cao và nhiều trường hợp do các bệnh có thể ngăn ngừa được, nhưng kết quả nói trên cũng là thành tựu đáng ghi nhận và khích lệ.
Mục tiêu Liên hợp quốc đề ra trong kế hoạch phát triển Thiên niên kỷ trong vòng 25 năm, từ năm 1990-2015, phải giảm 66% tỷ lệ tử vong trong trẻ em.
Giáo sư Christopher Murray, Giám đốc trường đại học thuộc Viện Nghiên cứu và Đánh giá Sức khỏe Washington, Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cũng đặc biệt đánh giá cao thành tích nói trên và cho rằng một trong những thành tựu lớn nhất trong 20 năm qua là sự tiến bộ đáng kinh ngạc ở các nước vốn có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao nhất trên thế giới.
Theo nghiên cứu, hiện có trên 30 nước, trong tổng số 187 nước thuộc diện nghiên cứu, đang tiến gần tới việc đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong trong trẻ em do Liên hợp quốc đặt ra cho năm 2015, trong đó có các nước đang phát triển như Brazil, Mexico, Malaysia và Ai Cập.
Khoảng cách về tỷ lệ tử vong ở trẻ em giữa các nước cũng đang ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong trẻ em ở các nước đang phát triển vẫn cao hơn nhiều so với các nước phát triển và giàu có.
Theo các nhà nghiên cứu, những tiến bộ trong công tác tiêm chủng, phòng ngừa dịch bệnh cũng như các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV từ các bà mẹ sang con… đã góp phần quan trọng vào thành tích giảm tỷ lệ tử vong trong trẻ em ở các nước./.