Tình trạng trẻ em phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe nhân phẩm, danh dự có chiều hướng tăng và có những diễn biến phức tạp. Trước thực trang trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải phối hợp hành động có giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng trên.
Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy hiện nay có khoảng 4,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em nghèo trong nhiều vùng trên cả nước chưa được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, dạy nghề, văn hóa, y tế. Cả nước có khoảng trên 25.000 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Hàng năm, có khoảng 1.500 tới 2.000 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhưng chỉ có 1.000 vụ được đưa ra xét xử.
Nguyên nhân tình trạng trên đáng chú ý là sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, tình trạng thiếu việc làm thất học, gia đình bị tổn thương, tan vỡ, sự thiếu trách nhiệm của các bậc cha mẹ và sự bất cập của công tác tuyên truyền giáo dục, sự đầu tư chưa thỏa đáng của các ngành các cấp. Vì nghèo nên nhiều gia đình không đủ tiền cho con đến trường và một khi trẻ em không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề. Hiện trẻ em nông thôn tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn và sớm hơn. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ em tự kiếm sống có xu hướng tăng, trong đó lứa tuổi phổ biến bị lạm dụng rơi vào trẻ từ 14-18 tuổi ngày càng tăng. Nhìn chung, trẻ em gái từ 11 tuổi trở lên thường tham gia các hoạt động kinh tế nhiều hơn trẻ em trai. Ước tính có khoảng 86% trẻ em từ 6-14 tuổi làm việc trong khu vực nông nghiệp, trong khi 9% khác tham gia lao động sản xuất và 5% tham gia trong các ngành dịch vụ. Kết quả điều tra cho thấy: Thu nhập bình quân của lao động trẻ em dao động ở mức 500.000-800.000đồng/tháng. Phần lớn thu nhập được gửi về gia đình (trên 65%); khoảng 6% thu nhập được trẻ tiết kiệm riêng; các khoản chi giao tiếp xã hội chiếm khoảng 1,3% thu nhập của trẻ. Đa số trẻ em làm các công việc trong ngành dệt may, giày da, chế biến thực phẩm hay khai thác khoáng sản, làm gạch ngói… trong điều kiện gò bó, chật chội, thiếu ánh sáng, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hoá chất… Còn trong ngành đánh cá các công cụ đánh cá vượt quá thể trạng của trẻ, thời gian làm việc kéo dài…
Vậy làm gì để ngăn ngừa trẻ em rơi vào tình trạng lao động tồi tệ, không có trẻ em bị gia đình và xã hội lãng quên, được bảo vệ và chăm sóc?
Trước tiên, về phía gia đình của các em phải được nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với chính con em của mình, nhà trường và các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường dạy cho các em ngành nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm trong điều kiện tốt hơn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, trợ cấp nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng và thực hiện có hiệu quả các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên; Hình thành mạng lưới những người tình nguyện làm công tác xã hội về trẻ em ở cơ sở, tăng cường công tác thanh tra kiểm soát việc thi hành các chính sách pháp luật liên quan tới trẻ em. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi có trẻ đến làm phải có sự hợp tác với địa phương có trẻ đi làm. Bởi vì, để có thể bảo vệ được trẻ em phải nắm được tình hình và kiểm soát được các em, phải kiểm soát được các em ngay tại địa phương nơi các em ra đi. Và, muốn kiểm soát được từ gốc thì trách nhiệm của tỉnh, huyện, xã nơi có trẻ em đi làm là vô cùng quan trọng, nhưng thực tế cho thấy hầu hết chính quyền, cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại địa phương khi tìm hiểu đều không nắm được số liệu cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phùng Ngọc Hùng cho biết: Việt Nam là một trong 165 quốc gia thành viên thông qua Công ước 182 về nghiêm cấm và hành động ngăn chặn ngay đối với các loại hình lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2000 và Công ước 138 về tuổi tối thiểu được phép lao động vào tháng 6 năm 2003. Với sự phê chuẩn này, Chính phủ Việt Nam thể hiện với cộng đồng quốc tế sự khẳng định và cam kết mạnh mẽ của mình trong việc khẩn trương thực hiện những giải pháp xóa bỏ hình thức lao động trẻ em nói chung và các hình lao động trẻ em tồi tệ nhất ở Việt Nam nói riêng.
Ông Phùng Ngọc Hùng nhấn mạnh: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã và đang không ngừng tăng cường việc tuyên truyền phòng ngừa lao động trẻ em cũng như bảo vệ chăm sóc trẻ em, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với thể trạng và sức khoẻ của các em. Hiện nay, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trực thuộc Bộ đã chủ động xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ cộng đồng. Bộ cũng đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh để phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trang lao động trẻ em trong điều kiện thiếu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã và đang cùng với các tổ chức quốc tế khác thực hiện một loạt các dự án để thực hiện để thực hiện chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất …Được biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiến hành xây dựng và sửa đổi một số chính sách nhằm ngăn ngừa lao động trẻ em sao cho tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế và phù hợp với tình hình thực tế lao động trẻ em Việt Nam hiện nay./.