Tại đất nước Brazil, khoảng 20% dân số của thành phố Rio de Janeiro hiện sống trong các khu ổ chuột, gần 10% trẻ em rơi vào tình trạng thiếu ăn trầm trọng và rất ít cơ hội đến trường…
Người dân thành phố Rio de Janeiro mang đồ đạc di chuyển khỏi khu ổ chuột nguy hiểm.
Là chủ nhà của World Cup 2014, Brazil đang phát động chiến dịch thúc đẩy giáo dục thông qua bóng đá. Đối tượng chủ yếu mà chiến dịch hướng tới đó là các em nhỏ đang sống tại những khu vực nghèo nhất Thành phố Rio de Janeiro.
Khoảng 20% dân số của thành phố Rio de Janeiro hiện sống trong các khu ổ chuột. Những khu nhà này được dựng lên từ những năm 1960 dành cho những người mới đến thành phố. Ban đầu, chỉ dành cho khoảng 25 nghìn người, nhưng nay nó đã là nơi ở của 65 nghìn người. Khoảng 10% số trẻ em sống ở đây thường rơi vào tình trạng thiếu ăn trầm trọng, và cơ hội đến trường của các em thường rất ít. Phần lớn các em lang thang chơi đùa trên phố với những trò chơi như đá bóng.
Chính vì vậy, nhân dịp World Cup sắp diễn ra, chính quyền thành phố đã phát động chiến dịch thúc đẩy giáo dục cho trẻ em đường phố ở các khu ổ chuột thông qua bóng đá. Họ hy vọng, với việc được giáo dục sẽ giúp các em nhỏ thoát khỏi đói nghèo.
Tham gia chiến dịch này có diễn viên người Anh, Đại sứ của Action Aid – Ralf Little, người đã tận mắt chứng kiến điều kiện sống của các em.
Anh Ralf Little, Đại sứ của Action Aid: “Tôi đã thực sự thấy được điều mình cần phải làm cho các em nhỏ. Thật không thể tưởng tượng được cuộc sống của người dân ở đây, họ không có gì cả, thậm chí trong ngôi nhà mà họ đang sống hàng ngày. Nếu trời mưa to xuống, họ sẽ mất hết sạch”.
Là một cầu thủ nghiệp dư, hàng ngày Little thường chơi bóng đá với các em nhỏ và truyền cho các em niềm hứng thú trong việc học tập.
Anh Ralf Little, Đại sứ của Action Aid: “Mỗi lần chơi với các em, tôi thường động viên các em rằng, chỉ có học tập mới có thể giúp cho cuộc sống của các em thay đổi”.
Sau khi chiến dịch được phát động, nhiều em nhỏ đã hăm hở quay trở lại trường học, bởi các em đã hiểu đây là cơ hội để các em thoát khỏi đói nghèo.
Năm 2002, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết: Đến năm 2015, tất cả các trẻ em đều được hoàn tất giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, chỉ còn 5 năm nữa, nhưng 72 triệu trẻ em trên thế giới vẫn chưa thể tiếp cận được.