Từ năm học 2010-2011, cả nước sẽ thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi. Đề án tập trung thực hiện 4 dự án: xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định; mua sắm trang thiết bị đồ chơi; đào tạo bồi dưỡng giáo viên (GV) và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn. Tổng kinh phí là 14.660 tỷ đồng. Dẫu vậy, chặng đường từ nay cho đến năm 2015 còn nhiều chông gai.
Giờ vui học của các bé Trường Mầm non Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Thành phố cũng thiếu trường, lớp
Thiếu trường, thiếu lớp là một thực tế, là nỗi lo không chỉ ở những nơi xa xôi, nông thôn có khó khăn mà ở cả các thành phố lớn. Hà Nội có tới hơn 800 trường công lập và ngoài công lập nhưng mới chỉ thu hút được 26,8% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 83,5% số trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Nếu đưa đủ số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thì sẽ không có đủ phòng học cho các lứa tuổi khác. Hà Nội hiện đang gấp rút xóa 3.697 phòng học tạm và xây thêm 809 phòng học kiên cố, đồng thời xây dựng Đề án tuyển dụng và chế độ trợ cấp cho GV.
Đấy là chuyện trường lớp ở thành phố, còn ở vùng sâu, vùng xa thì sao? Bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang cho biết, còn hơn 80% số xã của tỉnh này chưa có trường MN. Theo bà Hứa Thị Còn, Trưởng phòng GDMN tỉnh Cao Bằng, các lớp ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đa phần chỉ là nhà tạm, thực hiện mục tiêu mỗi xã một trường MN là rất khó khăn, chưa nói đến nhà công vụ cho giáo viên. Mục tiêu là phấn đấu đưa 95% trẻ 5 tuổi đến lớp, nhưng rất nhiều trường, lớp không bảo đảm tiêu chí về diện tích, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học. Theo Vụ Giáo dục MN (Bộ GD-ĐT), 2/3 số trường hiện có là ngoài công lập (Hải Phòng có hơn 200 trường MN, trong đó có 73 trường công lập, 169 trường dân lập), phần lớn ở nông thôn. Đặc biệt, hiện vẫn còn một số xã chưa có trường MN, 15% số xã chỉ có 1-2 lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học. Năm học 2008-2009, ở vùng đồng bào dân tộc có 221.780 trẻ em 5 tuổi nhưng chỉ có 141.330 trẻ được ra lớp (63%), còn 37% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, chủ yếu là do thiếu trường, lớp học.
Thiếu “lực hút” nên thiếu giáo viên
Mặc dù được xác định là lực lượng quyết định thành công của đề án, song đội ngũ GV MN hiện vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới GDMN. Cả nước có 17 vạn GV MN nhưng có tới 9 vạn người là GV ngoài biên chế. Tính đến năm học 2008-2009, cả nước còn thiếu 24.960 GV, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Thuận lợi như TP Hồ Chí Minh cũng còn 1.000 “ghế” GV MN còn trống. Tình trạng thiếu GV MN có nhiều nguyên nhân, như công việc bận rộn, áp lực thời gian (mỗi ngày phải làm việc từ 10 đến 12 giờ). GV MN không chỉ lo chuyên môn mà còn làm tạp vụ, vì thế mà có nơi gọi đùa nhiệm vụ GV MN là “3 trong 1”: vừa là GV, vừa là bảo mẫu, tạp vụ. Điều canh cánh của mỗi GV MN khi tới trường là làm thế nào để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi bé, từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các bé ốm… Rồi lại còn nỗi lo lúc về nhà, nào chuẩn bị giáo án, chuẩn bị đồ chơi, tranh ảnh cho buổi học sau.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, lương GV MN mới ra trường khoảng 1 triệu đồng/tháng, bao nhiêu khoản cần chi tiêu nên họ khó yên tâm với nghề. Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương Nguyễn Văn Lê cho biết thêm: Ở nông thôn, GV MN chỉ được hưởng 700.000-800.000 đồng/tháng, có nơi chỉ 300.000-400.000 đồng. Còn bà Lương Thị Hạnh, Phó phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cho hay, trên địa bàn huyện, GV chỉ được hưởng mức phụ cấp hằng tháng rất bấp bênh; những người ký hợp đồng với chính quyền địa phương được hưởng 650.000 đồng/tháng từ ngân sách xã, nhưng vì xã nghèo, phụ huynh không có tiền mặt đóng học phí nên GV nhận lương bằng ngô, lúa, khoai. Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2007-2008 có tới 300 GV MN bỏ nghề và theo tính toán, nếu cứ đà nghỉ việc như hiện này, lại cộng thêm số người đến tuổi nghỉ hưu thì mỗi năm TP phải bổ sung thêm 3.000 GV.
Lãnh đạo ngành GD-ĐT từng cam kết đến năm 2010 GV sẽ sống được bằng lương, nhưng Đề án “Phổ cập GD MN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” cũng chỉ đề cập: Với các trường công lập, GV nhận lương theo thang bảng quy định, còn dân lập thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần ngân sách để bảo đảm lương của GV không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trong thực tế, mức lương tối thiểu hiện nay thật khó để bảo đảm cuộc sống.