Nhìn trẻ nhỏ mà thèm một niềm vui – ấy là hồi ức của những ông bố khi nhớ lại tuổi thơ của mình. Và “thèm một niềm vui cho trẻ nhỏ” là cảm giác của những ông bố đưa con đi chơi trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua.
Con toát mồ hôi, bố mẹ bợt bạt
Ngày nghỉ, ngày lễ… tóm lại là trong ngày rảnh rỗi bạn sẽ cho con bạn đi đâu? Về nhà ông bà nội, ngoại; đi siêu thị; vào công viên; đi xem xiếc hay địa chỉ mà ai cũng nghĩ ngay đến ở trong đầu khi muốn đưa con đi chơi: cung thiếu nhi?
Trẻ em như búp trên cành, ai cũng biết vậy nhưng khổ nỗi nhà chỉ có 4 người, bố mẹ và hai con mà ngày 1/6 hôm qua lại rơi đúng ngày đi làm nên phải đến chiều vợ gọi điện nhắc lại chuyện “bố hứa cho các con đi 1/6” tôi mới tá hoả. Mà thế cũng phải bởi cái đầu người lớn còn vô vàn công việc, lại thêm đường xá tắc nghẽn, nắng lúc giao mùa…
Đến tối mịt trên đường mò về nhà mới thấy một không khí khác hẳn. Người người, nhà nhà kẹp con nhao ra đường. Tôi bỗng hoảng. Về đến nhà, sự hưng phấn của các con cũng đã lên đến tột độ. Chúng bắt đầu mếu máo bởi sự chuẩn bị chậm chạp của cha. Chúng bắt đầu ngó nghiêng xem các bạn hàng xóm đã lên đường chưa…
Một lát sau, cả nhà tôi cũng vọt ra đường. Nhưng cũng chả xác định được đi đâu, cả nhà vòng ra rạp xiếc hiếm vé nên “cò” xuất hiện hét giá vé đến ngót trăm nghìn. Kế hoạch tạt vào tượng đài Lý Thái Tổ đã bị phá sản bởi đường phố (thường cứ 1 người lớn kèm ít nhất 1 trẻ em) đã bị tắc ngay từ nhiều ngã tư trước khi đến Bờ hồ. Cố len vào đến vườn hoa thì cũng chỉ để đi chầm chậm mà chứng kiến cảnh người lố nhố cao thấp, đông nghịt như bãi biển Sầm Sơn ngày nóng.
Rồi chả hiểu sao cứ đi theo dòng người cuồn cuộn ấy, ai cũng quẹo vào Cung thiếu nhi. Thì đúng quá còn gì, ngày quốc tế thiếu nhi mà không vào Cung thiếu nhi thì còn đi đâu. Nhưng ở đây cảnh tượng còn khủng khiếp hơn, bãi gửi xe chật như nêm cối. Bên trong khuôn viên cung có đến hàng nghìn người. Vậy mà người vào vẫn ùn ùn, người ra, cả mẹ lẫn cháu ai lấy tơi tả. Tôi đâm hoảng. Cả hai vợ chồng dừng lại tranh luận một lát rồi tôi cũng phải thua bởi cái lý “cả năm mới có một mùng 1 tháng 6 và hơn nữa đã đến tận đây rồi!”.
Cung thiếu nhi quá tải trong tối 1/6
Cả nhà tôi cố chen vào cái nơi nhiều người và lắm mồ hôi ấy. “để ý con, ví tiền và điện thoại nhé” tôi cố với dặn vợ. Đông người quá, hình như con tôi cũng sợ. Chen nhau mồ hôi vã như tắm đến nơi thì đu quay bảo “hết vé”. Nhà bóng kia thì đương nhiên con tôi chen không nổi với các cháu lớn hơn rồi. Vợ chồng tôi đành bỏ cuộc. Theo phân công thì mẹ giữ một đứa, bố trông một đứa, nhưng chiến thuật tỏ không ổn bởi không thể bế mãi bọn nhỏ nên sau đành thống nhất: mẹ đè cả hai ngồi bệt xuống đất, bố tạo khoảng trống ở vòng ngoài (cho người ta đỡ dẫm vào con mình). Nhìn sang bên cạnh, hoá ra chiến thuật ấy cũng được nhiều gia đình áp dụng. Sau 15 phút hoàn hồn, cả nhà tôi đành nhễ nhại tháo lui.
Nhìn trẻ thèm một niềm vui
Đến lúc hoàn hồn, tôi bỗng giật mình bởi nhận xét “trẻ em những năm đầu thế kỷ 21 so với trẻ em những năm 50 đã có sự cách biệt quá xa”. Theo đó thì khoảng cách trước hết là chỉ số sinh học, không thể phủ nhận trẻ em ngày nay thông minh từ rất sớm. Thứ nữa, điều kiện sống được cải thiện, môi trường học tập tiên tiến đã khiến nhận thức của trẻ ngày càng thu hẹp về khoảng cách độ tuổi. Nhưng còn môi trường giải trí thì cần phải xem cái đã.
Áp ngày mùng 1/6, người ta cứ ra rả rằng thiếu sân chơi “trí tuệ” dành cho trẻ em. Theo tôi là hơi quá bởi ngay cả cái “sân chơi đơn giản” kia còn chưa làm được thì nói gì đến yêu cầu về một “sân chơi trí tuệ”. Trẻ em thiếu sân chơi vẫn là câu chuyện muôn thủa. Đặc biệt trong dịp nghỉ hè, chuyện sân chơi cho trẻ càng trở nên bức bối.
Không chỉ những khu phố sầm uất của Hà Nội, người ta mới tận dụng sân chơi của các em cho các dịch vụ kinh doanh thu lợi nhuận. Mà ngay cả những khu tập thể cũ kỹ, được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XX cũng không thoát. Chả nói đâu xa, ở thời điểm hiện tại ngay trong thành phố cũng khối vụ tranh chấp giữa phường và người dân về những khoảnh đất trống mà từ xưa đến nay vẫn dành làm khu vui chơi. Phường muốn xây chợ, xây cao ốc. Dân muốn giữ lại cho trẻ con chơi và người già lấy chỗ thở. Theo người dân thì cả mấy khu nhà mới có khoảng đất ấy, nếu lấy nốt thì các cháu chỉ còn biết chơi cầu lông ở trên… giường.
Thành phố còn thiếu nhiều sân chơi cho các cháu
Rồi có dạo, tôi lại nghe đồng nghiệp phân tích: trong quy hoạch các công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long chẳng có một công trình nào được xây mới cho các cháu. Vậy từ xưa đến nay (hơn 50 năm), rõ ràng công trình “nổi” nhất cho trẻ em vẫn Cung thiếu nhi.
Chúng ta thiếu chợ, đường xá còn hẹp, nhà ở còn thiếu… Đúng và cũng không cần ai phải chứng minh điều này. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta cũng thiếu rất nhiều sân chơi cho trẻ em; chúng ta còn thiếu nhiều vườn hoa, cây xanh cho thành phố.
Và đương nhiên, nếu nếu đặt lên bàn cân thì việc rất nhiều dự án, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh tập trung vào lĩnh vực bất động sản là thông thái vì đầu tư vào sân chơi cho trẻ em đương nhiên sẽ không hiệu quả bằng. Nhưng thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, thiết nghĩ thành phố cần có chính sách đầu tư cụ thể sân chơi cho trẻ em, không thể để tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em kéo dài.
Tự dưng tôi bỗng nghĩ: đêm qua, nếu nhà tôi ở ngoại ô thì có lẽ các con đã có một đêm 1/6 ý nghĩa. Ở đó tuy hoạt động có ít hơn nhưng chúng còn còn có khoảng trống, còn được ngắm trăng và nữa – còn có không khí mà thở.