Một báo cáo chi tiết về tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại tám tỉnh, thành phố vừa được viện Khoa học lao động và xã hội công bố khiến nhiều người lớn phải giật mình. Nhưng liệu việc tước đi quyền kiếm sống của trẻ khi các dịch vụ xã hội chưa thể đảm đương việc nuôi dưỡng các em, có phải là một quyết định đúng?
Không làm, sống bằng gì?
Em Võ Hoàng Ý năm nay chín tuổi đang học lớp hai tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đang đi may giày thuê cho một cơ sở sản xuất gần nhà để lấy tiền phụ giúp gia đình và đóng học phí. Ý kể, trung bình một ngày em may bốn đôi giày được 8.400 đồng. Những hôm ít việc em dậy sớm từ 4 giờ sáng đi làm cá bò cùng với chị thu nhập được 10.000 – 12.000 đồng.
“May giày thì mỏi lắm, thỉnh thoảng kim đâm vào tay chảy máu, rút chỉ cũng đứt tay, nhưng nhất là mỏi người và mỏi mắt, may không đạt người ta trả lại thì có khi phải đền, con chưa bị đền lần nào. Còn đi làm cá bò thì phải dậy sớm mới lấy được hàng, nhiều khi bị người lớn tranh hàng họ lại chửi nữa, làm cá thì sợ nhất là mùi tanh hôi, có cả mùi hoá chất ướp cho cá không bị thối nữa. Công việc là làm cho cá rã đông, ngâm trong nước cạo cá cho sạch, cán mỏng ra rồi đem phơi, phải tập trung nhiều lúc buổi trưa có nắng, việc này chị con làm nhiều hơn nên tay bị bong hết da”, Ý kể.
Nguyễn Thị Thanh năm nay mười ba tuổi quê tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh hiện đang làm việc như một công nhân thực thụ tại một doanh nghiệp may mặc ở TP.HCM. Thanh kể, khi em học hết lớp bốn thì phải nghỉ học ở nhà để trông em cho mẹ lên thành phố kiếm việc làm. Nhưng bây giờ mẹ Thanh mất việc tại thành phố nên Thanh bắt đầu theo một người quen vào TP.HCM làm công nhân may. “Làm việc ở đây rất cực, hàng ngày chúng cháu dậy từ 6 giờ 30, làm việc miết từ 7 giờ 30 đến trưa, nghỉ một giờ để ăn cơm rồi chiều lại làm miết đến 6 giờ, có hôm đến 8 – 9 giờ tối. Chúng cháu rất mệt và thường xuyên buồn ngủ”, Thanh nói.
Với công việc như vậy, cả tuần Thanh chỉ được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. “Ở thành phố này cháu không quen ai, cháu không biết đường, ít ra thì ở đây cháu cũng có chỗ ăn nghỉ. Mỗi tháng cháu dành dụm và gửi về quê cho mẹ được 300.000 đồng, như thế cũng là nhiều lắm rồi. Trước kia khi cháu ở nhà, cháu chưa bao giờ có được nổi 100.000 đồng”, cô bé mười ba tuổi vẫn suy nghĩ rất trẻ con như vậy.
Trong bối cảnh tỷ lệ các hộ gia đình đói nghèo thực sự còn cao như hiện nay, các dịch vụ xã hội chưa phát triển như vậy thì việc bảo vệ trẻ em chỉ là nói suông. |
Bảo vệ cách nào?
Đó chỉ là những đoạn phỏng vấn sâu những em bé đang làm việc như một người trưởng thành do nhóm nghiên cứu về tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại tám tỉnh, thành phố thực hiện. Hoàn cảnh chung dễ nhận thấy nhất là những trẻ em đang phải lao động nặng nhọc như Thanh xuất thân trong các gia đình nghèo hoặc cận nghèo. Ở nông thôn thì đó là các hộ gia đình đang làm nông, lâm nghiệp, còn ở thành thị là các hộ gia đình làm thuê hoặc tự làm với quy mô nhỏ, công việc bấp bênh, dễ bị thua lỗ. Trẻ em phải đi làm thuê để tự kiếm sống hoặc thậm chí phải gửi tiền về nuôi gia đình như Ý, Thanh.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng nghiêm cấm lao động trẻ em là điều không thực tế trong điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm cách nào để bảo vệ các em khỏi môi trường lao động độc hại để các em vẫn có cơ hội phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội, hiện tại hệ thống tổ chức và năng lực của hệ thống bảo vệ trẻ em còn yếu kém. Nước ta đang thiếu trầm trọng các tổ chức dịch vụ bảo vệ trẻ em như các trung tâm tư vấn pháp luật, định hướng nghề nghiệp, thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ có nghiệp vụ về trẻ em ở cấp xã phường. Thậm chí hiện đang thiếu sự phối hợp trong việc quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em nên số lượng các vụ lao động trẻ em được giải quyết hàng năm rất hạn chế.
Nhiều khuyến nghị đã được nhóm nghiên cứu đưa ra bao gồm tăng cường thanh tra việc sử dụng lao động trẻ em, có chế tài mạnh với những chủ sử dụng trẻ em vào các điều kiện độc hại nguy hiểm, thậm chí là truy tố hình sự. Nhưng trong bối cảnh tỷ lệ các hộ gia đình đói nghèo thực sự còn cao như hiện nay, các dịch vụ xã hội chưa phát triển như vậy thì việc bảo vệ trẻ em chỉ là nói suông.
—————————
Tại tám tỉnh được nghiên cứu, trẻ em lao động tập trung nhiều trong một số công việc điển hình như: chế biến thuỷ sản (Quảng Nam), may gia công, may giày dép (TP.HCM), bán hàng rong, vé số, đánh giày; sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng…Nhóm nghiên cứu chỉ ra, TP.HCM đã từng tồn tại những đường dây cung cấp lao động trẻ em từ khu vực nông thôn ra thành phố làm việc. Đây cũng là địa bàn nhức nhối nhất về tệ nạn bóc lột, lạm dụng vắt kiệt sức lao động trẻ em dưới nhiều hình thức với tiền công rẻ mạt. Tiền lương trung bình của lao động trẻ em là 509.000 đồng/tháng.