Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em có xu hướng ngày càng cao, do gia tăng tỷ lệ béo phì nên phụ huynh cần chú ý hơn trong việc tầm soát bệnh.
Huyết áp là áp lực của máu trong lòng động mạch, được tạo ra do tim co bóp đẩy máu chảy trong lòng mạch máu, đồng thời thành động mạch cũng co bóp để đưa oxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Việc đo huyết áp cho ra hai chỉ số: số trước gọi là huyết áp tâm thu, phản ánh sự co bóp của tim. Số sau là huyết áp tâm trương phản ánh trương lực của mạch máu. Thường phải đo huyết áp ít nhất ba lần để xác định được huyết áp của một người.
Dấu hiệu trẻ bị cao huyết áp
Khác với người lớn, mỗi quốc gia cần nghiên cứu xác định chỉ số huyết áp bình thường của trẻ em để chẩn đoán chính xác bệnh lý tăng huyết áp ở trẻ, vì huyết áp thay đổi tuỳ theo giới tính, tuổi và chiều cao. Được coi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu hoặc tâm trương từ 95 percentile trở lên (dưới 90 percentile là bình thường), cao huyết áp ác tính khi trên 99 percentile. Trẻ vị thành niên nếu huyết áp từ 120/80 mmHg là tăng huyết áp.
Lưu ý khi đo huyết áp ở trẻ em cần chọn dụng cụ đo thích hợp với cánh tay phải. Chiều dài túi hơi của máy đo cần đạt 80 – 100% chu vi cánh tay. Thường phải đo cả hai tay, vì ở những trẻ bị hẹp eo động mạch chủ thì huyết áp tay trái thường bị giảm hơn.
Bệnh có thể gây nguy hiểm
Có nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp ở trẻ em. Cao huyết áp thứ phát thường gặp ở trẻ nhỏ mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh thận. Cao huyết áp nguyên phát lại hay gặp ở trẻ vị thành niên liên quan nhiều đến béo phì và có tiền sử gia đình cao huyết áp, hội chứng Cushing do u hoặc dùng thuốc, u tuỷ thượng thận, lupus… Cao huyết áp do xơ vữa động mạch được coi là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành sau này.
Trẻ bị tăng huyết áp có thể nhức đầu ở trán hoặc sau ót, đau gáy vào buổi sáng, chóng mặt, mệt mỏi, đỏ mặt, chảy máu cam, yếu liệt tay chân từ vài giây đến vài phút, có thể gây co giật, tai biến mạch máu não, suy tim tiến triển, ngất xỉu…
Tránh họa cho trẻ từ xa
– Cần kiểm tra định kỳ huyết áp trẻ từ ba tuổi trở lên. Trẻ béo phì cần kiểm tra mỡ máu, đường máu và chỉ số BMI. – Không cho trẻ ăn mặn, vận động cơ thể thường xuyên, dùng thuốc đúng chỉ định bác sĩ, phòng ngừa và điều trị sớm nhiễm trùng tiểu… |
Cách chăm sóc trẻ cao huyết áp
Điều trị tăng huyết áp giai đoạn đầu khi chưa có biến chứng bằng cách giảm cân ở trẻ béo phì, điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục. Hạn chế cho trẻ ăn quá ngọt để tránh tăng cân, béo phì, đặc biệt với trẻ đã bị tiểu đường. Nên thực hiện ăn lạt, giảm ăn những thức ăn chứa nhiều muối như nước chấm, thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, cà muối, dưa muối, tương, chao, mắm, cá khô, bột ngọt, bột nêm… Ăn nhiều các loại rau quả để cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng đặc biệt là kali, magiê (trên 300g rau và 200g trái cây mỗi ngày).
Nên cho trẻ ăn cá nhiều hơn ăn thịt, thịt nạc bỏ da, thêm đậu hũ và các loại đậu khác thay thịt. Uống sữa để bổ sung thêm canxi phòng loãng xương và thêm các chất dinh dưỡng khác. Nếu béo phì, thừa cân trên sáu tuổi thì dùng sữa tách béo. Dùng dầu thực vật (dầu mè, dầu nành, dầu phộng…) thay cho mỡ động vật. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol và axit béo bão hoà như mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, lòng phủ tạng, lòng đỏ trứng. Tránh thức ăn chiên xào quá nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra, trẻ cần được nghỉ ngơi, vui chơi vận động vừa sức, dùng thuốc đúng giờ và đúng liều lượng, khám đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa.