Cần có bổ sung quy định trong nhãn đối với những thực phẩm không có lợi cho một số phụ nữ, trẻ em. cũng như một số thuốc có khuyến cáo, đề nghị dán nhãn thực phẩm nên có những khuyến cáo như không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú…
Kiến nghị trên được đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đưa ra tại buổi thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật an toàn thực phẩm (ATTP), sáng 1/6.
Đồng quan điểm với một số ĐB về việc cần phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm để dễ xử lý khi gặp “sự cố”, ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) đề nghị: “Tất cả thực phẩm đã lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác, nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng đánh giá lựa chọn thực phẩm an toàn cho chính mình, nâng cao trách nhiệm của những người trực tiếp nuôi trồng, chế biến thực phẩm, thanh lọc, loại bỏ dần những hành vi cố ý vi phạm pháp luật về ATTP”.
Đặt vấn đề về việc quản lý sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Sản phẩm tới tay người tiêu dùng có thể qua một, hai, ba hay nhiều công đoạn và có thể mất ATTP từ những khâu sản xuất, lưu thông, chế biến, bao bì, vận chuyển, bảo quản… tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm nhỏ lẻ”.
Chia sẻ bức xúc với các ĐB về tình hình mất vệ sinh ATTP hiện nay, tuy nhiên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khó có thể dán nhãn mác hết được tất cả các loại thực phẩm hiện có trên thị trường, “vì năng lực quản lý của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu cho nên một số quy định cũng phải chấp nhận có lộ trình, đặc biệt là vấn đề quản lý thức ăn đường phố và quản lý sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, nói chung”.
Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số ĐB “chấp nhận” quy định mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ, đồng thời tịch thu tiền do vi phạm mà có, thì ĐB Trương Thu Hằng (Đồng Nai) lại cho rằng, mức phạt trên chưa đủ sức răn đe. ĐB này đề nghị nghị nâng mức xử phạt tối thiểu lên gấp 10 lần và mức tối đa thật cao, thậm chí gấp hàng trăm lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ, vì những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng khó mà bù đắp được, nguy cơ tử vong hoặc gây hại tới thai nhi nếu đang trong thời kỳ thai sản do sử dụng thực phẩm nhiễm khuẩn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chỉ quản lý được 6,1% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố
Bên lề Quốc hội, sáng 1/6, Phó chủ nhiệm UB KHCNMT của QH Nguyễn Đăng Vang cho biết, chúng ta mới chỉ quản lý được khoảng 6,1% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, có nghĩa là còn gần 94% chưa quản lý. Quan điểm của luật này là phải quản lý khu vực này chứ không thể thả lỏng. Luật quy định theo hướng phân cấp cho UBND các cấp quản lý, xử lý vấn đề này. * Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì trên 50% các trường hợp tử vong của con người là do thực phẩm. Tại Việt Nam, hàng năm có trên ba triệu người nhiễm độc thực phẩm, việc này làm tốn hao trên 4.000 tỷ VNĐ mỗi năm. – ĐB Hồ Thị Thu Hằng trích dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. |