Những năm gần đây, càng ngày, trẻ em Việt Nam càng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với Internet. Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet mang lại cho trẻ, nhưng những tác động xấu của của nó cũng đang khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng, còn các nhà quản lý thì cũng đau đầu tìm mọi biện pháp để quản lý…
Chân trời kiến thức
Internet quả là một kho kiến thức vô tận đối với những trẻ ham học hỏi. Từ những trang web học tiếng Anh miễn phí, đến những gợi mở, giải thích cho tất cả các môn học mà trẻ muốn tìm hiểu, đều có thể tìm thấy trên mạng Internet.
Chị Thuỳ Hoa, ở khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) có con gái đang học mẫu giáo lớn. Cả hai mẹ con chị đặc biệt thích thú với các chương trình vừa học, vừa chơi dành cho trẻ trên Internet. Tối tối, mẹ con chị thường cùng nhau thực tập thiết kế trang phục, học vẽ, sáng tác chuyện tranh… “Tôi không thể nào tự nghĩ được nhiều trò chơi hay các hoạt động bổ ích khác cho con khi ở nhà. Nhưng với Internet thì lại khác, không bao giờ lo thiếu…”
Anh Hoàng Hưng, ở ngõ 84 Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) thì rất hỉ hả khi cậu con trai học lớp 7 say mê tìm hiểu các kiến thức về lịch sử, địa lý… trên mạng Internet. Mỗi khi cô giáo ra bài tập mở rộng, cậu không còn nằng nặc đòi bố giải thích mà tự mình lên mạng tìm kiếm. Những bài tập lịch sử của con trai anh luôn được điểm cao so với các bạn khác. Kể cả ngữ văn cũng vậy, bất cứ khi nào giáo viên yêu cầu tìm các ví dụ về ca dao, tục ngữ, cu cậu cũng có thể tìm được trên mạng chỉ với một chút ít thời gian.
Internet là kho kiến thức vô tận để trẻ học hỏi
Đối với học sinh lớn hơn, cũng có thể tìm được trên Internet nhiều ứng dụng bổ ích. Chị Kim Oanh (khu tập thể Phát tín, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, con trai chị năm nay đã vào đại học. Tuy nhiên, 3 năm cấp III, con chị đã thu lượm được không ít kiến thức và những ứng dụng đặc biệt có ích trên Internet.
Từng là một học sinh xuất sắc của trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông), con trai chị và nhóm bạn đã từng cùng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học tập, những thông tin tìm kiếm học bổng du học… hết sức hữu ích. “Có Internet, con trai tôi được trau dồi kiến thức và trở nên hiểu biết hơn trong tất cả các lĩnh vực. Giờ cháu đang là sinh viên năm thứ hai, lớp kỹ sư tiên tiến của trường ĐH Bách Khoa. Thành công của cháu ngày hôm nay cũng nhờ một phần vào Internet” – chị Oanh khẳng định.
Đặc biệt có ích đối với trẻ ở lứa tuổi đi học là các chương trình học tiếng Anh qua mạng. Từ các bé mẫu giáo đến học sinh cấp III đều có thể tìm cho mình những chương trình học phù hợp với khả năng, trình độ của mình. Không có điều kiện đưa đón con đến các trung tâm, nhiều phụ huynh đã chọn giải pháp học qua mạng và họ cho rằng, đây là một lựa chọn lý tưởng.
Cạm bẫy hữu hình
Internet là môi trường chứa đựng nhiều kiến thức bổ ích hấp dẫn nhưng cũng thật nhiều cạm bẫy. Cạm bẫy này không hề vô hình, mà hiện hữu rất rõ trong những trang web có nội dung đồi trụy hay những trò chơi bạo lực. Thậm chí, kể cả những trò chơi lành mạnh, nhưng do sức hấp dẫn quá lớn cũng khiến những đứa trẻ không có đủ bản lĩnh để tự mình điều chỉnh, dẫn đến ham mê quá độ, hay còn gọi là “nghiện net”.
Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh biết rõ những cạm bẫy này, nhưng do quản lý không chặt, hoặc quá ít thời gian hay chủ quan nên đã để con rơi vào đó lúc nào không hay.
Internet cũng là “cạm bẫy” rất hữu hình, nhưng vẫn khó tránh của trẻ
Con trai chị Mỹ Hạnh (khu tập thể Bộ Thuỷ sản, phố Nguyễn Công Hoan) năm nay học lớp 6. Vì trường không có lớp bán trú nên cháu chỉ đi học buổi chiều, buổi sáng ở nhà tự học. Những năm cấp I, cậu bé rất chăm chỉ và tự giác, cộng thêm tính khá “nhát”, biết sợ bố mẹ nên không bao giờ dám tự tiện bật máy tính.
Thế nhưng, sang đến học kỳ II, chị Hạnh mơ hồ cảm thấy lo lắng khi kết quả học tập của con trai có chiều hướng giảm sút. Thỉnh thoảng, chị nhận được tin nhắn qua sổ liên lạc điện tử, rằng con trai chị không soạn bài, thiếu bài tập… Khi chị hỏi con, cậu bé “lấp liếm” rằng mình có làm nhưng “quên vở”. Điệp khúc “quên vở” lặp lại không ít lần, cho tới một hôm chị Hạnh nhận được cuộc điện thoại của một phụ huynh khác.
Vị phụ huynh nói trên bất ngờ phát hiện con thường chơi game vào khoảng từ 9-11 giờ sáng. Khi xem danh sách, chị mới biết tham gia cùng con có một loạt học sinh cùng lớp, trong đó có con chị Hạnh. Nhóm học sinh này cùng có hoàn cảnh là bố mẹ đi làm và để con ở nhà “tự quản”. Điều đáng nói là các cháu đều là học sinh giỏi lớp chọn của một trường có tiếng, nhưng vẫn bị trò chơi điện tử “hút hồn”.
Chưa hết, nhóm học sinh này còn gửi cho nhau các đường link dẫn tới những trang web sex, có hôm còn download vào điện thoại để mang đến lớp cho các bạn cùng xem.
Sau lần ấy, nhóm phụ huynh này đã phải ngồi lại với nhau và thống nhất về cách quản lý. Theo đó, các chị đồng ý cho con chơi game một lần vào cuối tuần, còn các ngày thường thì đành “khoá mạng”. Học tiếng Anh và các môn khác, các cháu cũng chỉ được phép sử dụng máy tính vào thời gian bố mẹ có mặt ở nhà.
Trường hợp trên vẫn còn là may mắn, khi các con được bố mẹ phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Thực tế, có rất nhiều trường hợp khi bố mẹ phát hiện ra thì đã quá muộn. Nhiều trẻ học hành sút kém phải đúp lớp. Có em liên tục trốn học, trộm tiền của bố mẹ và người thân để chơi điện tử. Nguy hiểm hơn, những vụ bạo lực do đánh nhau “như trong game”, thậm chí dẫn đến án mạng – cũng đã xảy ra không ít. Có phụ huynh khi thấy mọi người chỉ trỏ xem hình “mát” trên mạng, nhòm vào mới té ngửa đó chính là hình của cô con gái mới 14 tuổi của mình.
—————-
Trẻ em như những tờ giấy trắng, để Internet chỉ giúp ích mà không ‘bôi bẩn” tâm hồn và nhân cách các em là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội, trong đó trách nhiệm gia đình vẫn là lớn nhất. Sinh con, chăm sóc sức khoẻ, bồi dưỡng kiến thức là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là việc giáo dục nhân cách cho trẻ. Trước khi góp ý cho các cơ quan chức năng về quản lý trò chơi điện tử, hay kiến nghị nhà trường về cách giáo dục học sinh, chúng ta hãy cố gắng tạo cho con một môi trường lành mạnh ngay từ chính ra đình.
Không cần tẩy chay Internet. Trò chơi sạch, kiến thức sạch, những trang web sạch là điều mà các bậc phụ huynh nên cho con tiếp cận và ngược lại, những trò chơi bạo lực, những kiến thức “dạy dỗ” bẩn hay những trang web “đen” là điều mà chúng ta cần giúp trẻ tránh xa.