Trong một lớp thể dục ngoài trời ở Bắc Kinh, các bậc cha mẹ đang cầm tay con mình, hướng dẫn chúng giơ lên hạ xuống theo lời cô giáo. Với những bước đi vụng về, không em nào trong số trẻ tự kỷ ấy nhìn vào cô giáo – chúng chỉ đơn giản là được bố mẹ kéo đi.
Trong nhà trẻ đa phần dành cho trẻ tự kỷ này, các bậc cha mẹ kè kè bên con suốt cả ngày. Tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh, đặc trưng với việc trẻ tương tác xã hội và giao tiếp kém, đồng thời có những hành vi lặp đi lặp lại.
Nhà trẻ thuộc hệ thống trường đào tạo công lập trí tuệ Chaoyang Anhua (Bắc Kinh), nơi có khoảng 1/3 trong số 165 học sinh là mắc chứng tự kỷ.
Vì không có trường công nào chuyên biệt cho những trẻ loại này, nên các em tự kỷ được dạy chung với những trẻ bị các bệnh lý tâm thần khác.
Một trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ ở Tam Á, Trung Quốc. |
Khi lũ trẻ ngủ trưa, Liu Jianhua, một ông bố 40 tuổi, cặm cụi lau sạch sàn học của lớp con mình, và thu gọn đồ chơi. Anh tình nguyện làm việc này. Anh cùng với vợ thay nhau chăm sóc cậu con của mình.
“Giờ đây tôi hài lòng thấy rằng con trai mình muốn ôm bố của nó thường xuyên, nhưng trước khi đến trường này, nó đối xử với tôi như bất kỳ người lạ nào khác”, anh tâm sự với Xinhua. Cậu con 5 tuổi của anh, Liu Shuai, không nói và cần có người trông nom suốt cả ngày.
Nói chung, không giống như trẻ bình thường, trẻ tự kỷ dường như không có tình cảm với cha mẹ, không bao giờ bày tỏ sự thân mật gần gũi.
Tuy nhiên, điều đó không khiến Liu Jianhua bớt yêu con trai mình. “Điều khiến tôi thực sự lo lắng là tương lai của con, đặc biệt khi mẹ nó và tôi không thể ở bên cạnh bé suốt đời. Ai sẽ trông nom nó sau này?”, Liu bộc bạch.
Một ông bố khác – Zhong Xueping – cũng thập thò ngoài cửa lớp. “Tôi thậm chí còn không dám nghĩ đến điều đó”, anh nói. Trong lớp, cậu con trai 4 tuổi của anh Zhong Chuangli đang vẫy tay phải, không ý thức được cô giáo đang làm gì.
Trung Quốc ước tính có khoảng 100.000 người mắc hội chứng tự kỷ, trong khi nhiều người khác cho rằng con số thực phải là 1-2 triệu. |
Zhong Xueping cho biết anh không rõ liệu việc đào tạo có giúp được con mình không. Tất cả những điều anh có thể làm là cho cậu những điều tốt nhất có thể – một khoản tài chính dồi dào.
Học phí tại trường Anhua là 1.500 tệ (219 đôla) mỗi tháng, bằng một nửa tháng lương trung bình ở Bắc Kinh năm 2009. Học phí tại các trường tư thậm chí có thể gấp đôi hoặc gấp ba như thế.
Dù vậy, chi phí ở trường công thôi cũng có thể khiến một gia đình gần như khánh kiệt, vì mỗi nhà chỉ có một ông bố hoặc bà mẹ là có thời gian đi làm, trong khi người còn lại phải ở nhà trông đứa trẻ cả ngày. Chưa hết, một số gia đình phải rời bỏ quê nhà và đến thuê trọ ở các thành phố lớn, nơi họ có điều kiện chăm sóc con hợp lý hơn.
Gia đình của Zhong Xueping ở tỉnh Hồ Bắc. Vợ chồng anh bán quần áo ở Bắc Kinh để kiếm sống. “Chúng tôi hầu như chẳng để được bao nhiêu sau khi trả học phí cho con, và chúng tôi chỉ có thể đủ tiền thuê một tầng hầm nhỏ”, anh nói.
Nói về tương lai của những đứa trẻ này, Long Jianyou, hiệu trưởng trường Anhua, cho biết: “trong trường hợp tốt nhất, những em tốt nghiệp từ trường trung học dạy nghề của Anhua có thể tìm được việc làm”.
Trường Anhua nhận trẻ từ trước tuổi tiểu học tới trung học bậc cao. Năm nay, 12 trong số các em tốt nghiệp ở đây đã tìm được việc làm trong các khách sạn danh tiếng, làm những công việc khá đơn giản như thay ga trải giường. “Các em có thể kiếm được 1.700 tệ mỗi tháng”, Long nói.
“Người tuyển dụng các học sinh của chúng tôi đều là các công ty nước ngoài có trụ sở ở Trung Quốc. Các công ty trong nước không hề làm việc này. Họ có thể tuyển người khuyết tật, nhưng lại nói không với những người tâm thần có vấn đề”, Long nói, và buộc tội người Trung Quốc thiếu hiểu biết về hội chứng tự kỷ.
Zhong Xueping cho biết gia đình anh bị mọi người phân biệt đối xử, họ nghĩ rằng con anh bị điên. “Chúng tôi bán quần áo ở chợ, và khi con trai tôi bò đến chỗ người khác đứng, họ lánh xa nó như thể nó là một thằng ngốc”.
Nhưng cũng có những phụ huynh lạc quan hơn. Wang Hongli, mẹ của một cậu bé 10 tuổi – cậu bé mới bắt đầu có dấu hiệu tự kỷ – tin rằng con trai mình có thể làm tốt hơn thế nhiều. Chị hy vọng một ngày nào đó con trai chị sẽ hòa nhập xã hội như một đứa trẻ bình thường.
Chị định gửi con trở lại trường bình thường vào mùa thu này. Nhưng cậu bé có thể cần tới một gia sư, tiêu tốn khoảng 2.000 tệ mỗi tháng.
Wang tới từ một thành phố ở ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Vì không có trường đặc biệt ở quê nhà, nên chị nghỉ việc và đưa con tới đây để con được đến trường.
Ngay cả ở Bắc Kinh, 6 năm về trước cũng không hề có những trường đặc biệt kiểu này cho trẻ nhỏ mắc bệnh tự kỷ. “Chỉ đến gần đây, chúng tôi mới nhận ra rằng tự kỷ nếu được chẩn đoán và chữa trị sớm, người bệnh sẽ tiến bộ hơn trong cuộc sống sau này, vì thế chúng tôi bắt đầu mở nhà trẻ tự kỷ này”, Long Jianyou, hiệu trưởng trường Anhua cho biết.
Trung Quốc đã lồng ghép một kế hoạch đào tạo trẻ tự kỷ vào chương trình phát triển quốc gia từ năm 2006 đến 2010, trong đó có việc xây các cơ sở đào tạo trẻ tự kỷ ở 31 thành phố, huấn luyện các chuyên gia trong chẩn đoán và điều trị hội chứng này.