Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến số bệnh nhân bị mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là bệnh sốt virus gia tăng và lây lan mạnh. Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân sai lầm khi cho rằng sốt virus là phải sốt cao dai dẳng hàng tuần, thực tế có người chỉ biểu hiện hâm hấp sốt.
Mặc dù sốt virus lành tính nhưng nếu không phát hiện chữa kịp thời rất dễ sinh ra biến chứng như: động kinh, viêm màng não…
Không nên tự điều trị
Tại phòng khám nhi ở các BV như: Xanh Pôn, Bạch Mai, Nhi trung ương, hơn một tuần trở lại đây bệnh nhi nhập viện do sốt virus, hô hấp tăng cao. Bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Xanh Pôn cho biết những ngày gần đây khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi sốt cao đến khám, trong đó phần lớn là trẻ bị sốt virus.
Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 38oC, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều… |
Tuy nhiên, theo BS Thu, điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân thường tự điều trị ở nhà bằng kháng sinh khi sốt nên nhiều trường hợp nhập viện ngoài sốt còn bị tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh. Trường hợp của cháu Minh (Cống Vị, HN) là ví dụ.
Một tuần trước, cháu ho và sốt nhẹ. Chị Lan mẹ cháu liền mua thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt cho cháu uống ở nhà. Uống đến ngày thứ 5, cháu không những không khỏi mà sốt còn nặng hơn, mắt nhìn mờ đi kèm theo đi ngoài liên tục. Anh chị vội vàng đưa con vào viện và được bác sĩ kết luận cháu Minh bị sốt virus.
Điều đáng ngại là cháu uống quá nhiều kháng sinh nên hệ thống tiêu hóa của cháu bị rối loạn. Hiện cháu vừa phải điều trị sốt lại kèm thêm chữa tiêu chảy.
Theo các BS, biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 38oC, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều, một số trường hợp xuất hiện kèm các nốt phát ban, có trẻ đến viện khi đã có biểu hiện của viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên. Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.
Trường hợp gặp các triệu chứng trên nếu không phát hiện sớm để đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ sinh ra biến chứng nguy hiểm như động kinh, viêm màng não… Tuy nhiên, muốn có kết luận chắc chắn nguyên nhân có phải do sốt virus hay không, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm máu.
Tăng cường sức đề kháng
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, số bệnh nhân bị sốt virus thường tăng khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là độ ẩm cao như mấy ngày gần đây. “Nhiều người sai lầm khi cho rằng sốt virus là phải sốt cao dai dẳng hàng tuần, thực tế có người chỉ biểu hiện hâm hấp sốt. Ngay cả những trường hợp vừa đỡ mấy ngày đã sốt lại cũng là bình thường, nếu sức đề kháng kém, cơ thể có thể tái nhiễm nhiều lần”, PGS.TS Dũng cảnh báo.
Ông cũng cho hay, thông thường người mắc sốt virus sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị (chủ yếu uống thuốc hạ sốt nếu người bệnh sốt trên 38oC, cho người bệnh ăn những món dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng). Trường hợp không khỏi sau khoảng thời gian này, chắc chắn cơ thể đã bị bội nhiễm, cần làm các xét nghiệm sâu để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, vẫn còn phổ biến quan niệm sai lầm là truyền dịch sẽ hạ sốt nhanh. Ngày nào tại các bệnh viện, các bác sĩ cũng nhận được yêu cầu từ phía người nhà bệnh nhân được truyền dịch để… tăng lực. PGS.TS Dũng, khẳng định, truyền dịch vừa tốn kém, vừa tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, vừa không thể nhanh chóng hết sốt. Do đó, chỉ trường hợp thật sự cần thiết, các bác sĩ mới chỉ định truyền dịch để bù nước.
Cũng theo PGS.TS Dũng, thời điểm dịch như hiện nay cần tăng cường sức đề kháng, bù nước bằng dung dịch oresol, bổ sung vitamin từ hoa quả… cho trẻ em, người già. Khi sốt đang vào mùa cao điểm và sắp đến mùa thi của trẻ em, phụ huynh không nên cho trẻ đến chỗ đông người, hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ, giữ vệ sinh ăn uống. Khi trẻ bị sốt cần cách ly để tránh lây lan.