Bất cứ người phụ nữ nào khi có thai đều có thể bị “ốm nghén”, do đó nghén đã trở thành chuyện bình thường của mọi phụ nữ lúc mới bất đầu mang thai.
Vậy nghén là gì, nguyên nhân và diễn biến của nó ra sao, có thể gây biến cố gì và cách chăm sóc điều trị như thế nào?
Bình thường, ngay sau khi tắt kinh, những dấu hiệu thai nghén đầu tiên người phụ nữ nhận thấy là buồn nôn, tiết nhiều nước bọt, ăn kém trước, thèm của chua v.v… mà bà con ta gọi là “nghén”.
Những dấu hiệu nhẹ nhàng như thế ai cũng có, chúng báo hiệu trong cơ thể người phụ nữ đang có một sự thay đổi sinh lý từ trạng thái bình thường sang trạng thái mang thai. Nhưng cũng có những chị em bị nghén nặng, nôn ọe liên tục, bỏ ăn uống, cơ thể suy sụp, ảnh hưởng lớn đến thai và người mẹ. Trong những trường hợp này nghén đã trở thành một bệnh lý phải được chăm sóc điều trị tốt, nếu không có thể dẫn đến những hậu quả đáng buồn.
Tìm hiểu sâu về hiện tượng nghén, người ta thấy khó có thai người phụ nữ có rất nhiều thay đổi về sinh lý như: Các nội tiết sinh dục tăng lên đột ngột. Phôi thai hình thành trong cơ thể người phụ nữ dù sao vẫn là một loại protein lạ, nên đã gây ra một hiện tượng dị ứng. Sức đề kháng của cơ thể bị giảm, nhất là khi thai phụ đã có bệnh sẵn (như một bệnh tim mạch, thận, dạ dày, v.v…) các bệnh đó sẽ nặng lên.
Những thay đổi trên có thể gây nên một tình trạng mất cân bằng trong thần kinh thể dịch, làm thai phụ dễ bị bệnh.
1. Nghén nhẹ:
Sau khi tắt kinh, người phụ nữ thấy:
- Hay buồn nôn, nhất là về buổi sáng. Cũng có khi nôn ra ít nước và thức ăn sau bữa ăn.
- Tiết nhiều nước bọt, hay nhổ vặt, có khi nước bọt rất nhiều.
- Người cảm thấy nặng nề kém hoạt động, đôi khi thấy khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, tính tình dễ thay đổi, dễ xúc động, cáu gắt.
- Ăn uống kém trước, thèm “ăn dở”, thích ăn của chua. Sức khỏe toàn thân bị ảnh hưởng rất ít hoặc không bị ảnh hưởng.
Thường nghén nhẹ tự nó sẽ khỏi sau một thời gian cơ thể thích ngh được với trạng thái mang thai, không cần chạy chữa gì, chỉ cần người chồng chú ý chăm sóc, an ủi, động viên vợ ăn uống để đảm bảo sức khỏe.
2. Nghén nặng:
Có một số phụ nữ có thai bị nghén nặng và kéo dài. Bệnh mỗi ngày một nặng thêm, hoặc đột ngột nặng lên.
Thai phụ nôn mửa liên tục, nôn ra thức ăn, có khi nôn cả ra mật xanh, mật vàng, ăn gì cũng nôn, thậm chí không ăn cũng nôn.
Sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cơ thể suy nhược ngày một gầy mòn thêm, lớp mỡ mất đi, người gầy rạc chỉ còn da bọc xương, tình trạng mất nước rõ mắt lõm xuống, má hốc, môi khô.
Nhiệt độ vẫn bình thường hoặc hơi giảm chút ít, mạch nhanh, tim đập dồn dập 100 – 120 lần một phút, Thở nhanh 40 – 50 lần một phút. Bệnh tiến triển ngày càng nặng, cuối cùng thai phụ có dấu hiệu thần kinh, hốt hoảng, sợ sệt, có thể liệt một bên, co giật hay hôn mê trong tình trạng không có nước tiểu, rất nguy hiểm. Nếu làm các xét nghiệm sẽ thấy nước tiểu có axeton (acétone), có rối loạn điện giải, dự trữ kiềm giảm hoàn toàn.
Đây là một trường hợp nghén nặng ta phải đưa đến bệnh viện điều trị như một người bệnh nặng thực sự, không được coi là chuyện “ốm nghèn” thông thường. Tại bệnh viện, thai phụ sẽ dược theo dõi điều trị chu đáo, nằm chỗ thoáng, ít tiếng động, ít ánh sáng, yên tĩnh, ăn nhẹ, dùng các dung dịch để bù nước và điện giải, các thuốc an thần và kháng histamin tổng hợp… tùy theo tình hình bệnh cụ thể. Đã có những trường hợp bệnh rất nặng, điều trị thuốc men không giải quyết được, người ta phải phá thai để cứu mẹ.
Tóm lại, “ốm nghén” là chuyện thường gặp ở người phụ nữ khi bắt đầu có thai và thường nhẹ không cần thuốc men gì tự nó sẽ khỏi, chỉ cần gia đình quan tâm chăm sóc, động viên thai phụ ăn uống để giữ sức khỏe. Nhưng đối với những trường hợp nghén nặng thì nó đã trở thành một bệnh lý, có khi nguy hiểm, phải được điều trị chăm sóc toàn diện tại một cơ sở sản khoa để chủ động đề phòng những hậu quả đáng tiếc