1. Lấy đức dục làm đầu
“Trọng trí, nhẹ đức” là một khuynh hướng phổ biến trong giáo dục gia đình hiện nay.
Các bậc cha mẹ chỉ chú ý đến điểm số và thành tích học tập của con, ngày nào cũng hỏi “Hôm nay con được mấy điểm?” còn phẩm chất, tư tưởng, lý tưởng, ý chí của trẻ luôn bị coi nhẹ.
Việc thưởng phạt đối với trẻ cũng tùy thuộc vào điểm cao hay thấp. Thi tốt thì bố mẹ vui, điểm thi thấp thì bố mẹ trách mắng trừng phạt.
Điểm căn bản nhất của các bậc cha mẹ ưu tú là nuôi dạy con cách học làm người, là nhân tài có đạo đức có chính kiến, có lý tưởng, có văn hóa, có ích cho xã hội.
2. Tuần tự tiến dần
Không ít các bậc cha mẹ nóng lòng muốn bồi dưỡng con mình thành thiên tài, 1 tuổi đã học chữ, 2 tuổi học thơ cổ, 3 tuổi học toán, 4 tuổi học ngoại ngữ, ngoài ra còn học đàn, họa, nhạc…
Giáo dục trẻ không phải cứ muốn là được, nhanh là thành. Các bậc cha mẹ cần căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý trong quá trình trưởng thành của từng trẻ để có biện pháp giáo dục thích hợp nhất. Mỗi trẻ một khác, tuần tự tiến dần, vì con trẻ mà sáng tạo một môi trường giáo dục lành mạnh thích hợp, có lợi cho sự trưởng thành của con.
3. Lấy mình làm gương
Tục ngữ nói “Cha mẹ thế nào sinh con thế ấy”. Nhiều bậc cha mẹ văn hóa kém, tu dưỡng đạo đức không tốt thì hình tượng cha mẹ trong mắt trẻ thơ như thế nào? Tiếng nói của cha mẹ với con trẻ có trọng lượng hay không? Vì thế các bậc làm cha làm mẹ cần lấy mình là tấm gương của sự hữu ái, tích cực tiến thủ, lạc quan, vui vẻ, tự tin, khoáng đạt, yêu ghét phân minh… con trẻ sẽ học được bạn từ trong những lời nói việc làm hàng ngày. Cha mẹ cần xây dựng uy tín trong tâm hồn con trẻ.
4. Không nên áp đặt
Chịu ảnh hưởng từ cách giáo dục truyền thống, nhiều bậc cha mẹ muốn yêu cầu con chỉ biết làm theo ý muốn của cha mẹ, thiếu sự giáo dục dân chủ bình đẳng trong gia đình.
Con trẻ trong gia đình dường như không có quyền lựa chọn, quyền tham gia, quyền phát ngôn. Cha mẹ tự cho mình quyền đánh mắng trẻ, quyền kiểm soát mọi hoạt động của trẻ, nhật ký thư từ của trẻ đều bị cha mẹ xem trộm. Cách giáo dục này không chỉ làm tổn thương đến nhân cách và danh dự của con mà còn tổn hại đến uy tín của cha mẹ, hạn chế tính sáng tạo và tinh thần độc lập tự chủ của trẻ.
5. Hợp tác với nhà trường
Trong quá trình trưởng thành của trẻ rất cần sự hợp tác của 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội, các bậc cha mẹ nên thường xuyên liên lạc với nhà trường, thầy cô giáo để biết rõ tình hình học tập tu dưỡng rèn luyện của con mình. Nếu trẻ có biểu hiện sai lệch cha mẹ, thầy cô còn kịp thời uốn nắn sửa chữa.
Theo Phụ nữ Việt Nam