Đập vào mắt mấy tấm hình diễn viên Hàn Quốc khi vừa bước vào phòng cô con gái 13 tuổi, chị Lưu nhíu mày: “Học không học toàn để ý những cái vớ vẩn. Hay hớm gì mấy thằng trai không ra trai, gái không ra gái mà giăng khắp nơi thế kia”.
Nghe thế, cô con gái sa sầm mặt, và chỉ đợi chị Lưu ra khỏi phòng, cô bé đóng sầm cửa lại.
Trò chuyện với một chuyên gia giáo dục, chị Lưu (Thanh Trì, Hà Nội) than thở: “Bọn trẻ càng ngày càng khó hiểu. Con bé nhà em hồi nhỏ lúc nào cũng tíu tít với mẹ, thế mà càng lớn càng lỳ, đi học về là vào phòng, có gặng thế nào nó cũng chẳng thèm mở mồm nói với mẹ một câu. Nó quan tâm đến mấy anh diễn viên, ca sĩ còn hơn cả gia đình”.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House (Láng Hạ, Hà Nội), cho biết, rất nhiều phụ huynh than phiền vì con cái bỗng trở nên khép kín trước bố mẹ và chúng như cất giữ rất nhiều bí mật mà họ không thể nào biết được.
Bà Lệ Thủy cho rằng, thật ra, một trong những lý do khiến bọn trẻ khó mở lòng với người lớn chính là bởi chúng cảm thấy không được “an toàn”, khi các phụ huynh không biết tôn trọng những sở thích và sự riêng tư của con.
Khi được khơi gợi và cảm thấy ‘an toàn’, trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ bản thân.
Theo nhà giáo dục, chính bố mẹ nên xây dựng ý thức về sự riêng tư cho trẻ từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn, trẻ 2-3 tuổi thường rất quan tâm đến đồ chơi, khi mua đồ chơi cho con, hãy nói rõ cái này là của con, tạo một góc nhỏ cho bé, hướng dẫn bé cách chơi và ý thức tự cất gọn gàng khi chơi xong. Nếu bố mẹ muốn mượn đồ của con, cũng hãy ngỏ ý: “Mẹ mượn em gấu của con một chút nhé”.
Cách này vừa tạo sự tự tôn cho trẻ vừa khiến bé biết tôn trọng sở thích, sự riêng tư của bố mẹ cũng như những người xung quanh. Chẳng hạn, nếu bé đòi đồ chơi của bạn, hãy nhẹ nhàng: “Cái ô tô này là của con, còn xe đẩy là của bạn mà”.
Khi lớn hơn, tầm 9-10 tuổi, trẻ thường thích sưu những thứ phục vụ cho sở thích cá nhân, chẳng hạn, các bạn trai hay mua tranh ảnh sticker (loại nhỏ, có thể dán ở bất cứ đâu), đồng xu, tem thư… còn các bé gái lại thích các loại túi đựng, ví xinh… Và người lớn cần tôn trọng trẻ, coi đó là thế giới riêng của con bởi mỗi đồ vật đều chứa đựng rất nhiều tưởng tượng của trẻ.
Trẻ lớn, nhất là ở độ tuổi 13-14 thường bắt đầu ý thức rất rõ về sự riêng tư của mình. Bên cạnh sở thích riêng trẻ còn bắt đầu muốn giữ những “bí mật” của chúng như bạn bè, bạn trai, nhóm bạn… Trẻ bắt đầu hình thành lòng tự tôn, dễ phản ứng nếu người lớn xâm phạm đến “vùng cấm địa” của chúng.
Ở tuổi này, các bạn gái phức tạp hơn, hay tâm sự với bạn bè, viết nhật ký chứ ít khi kể với bố mẹ về những cảm xúc hay sự việc diễn ra với mình. Có nhiều em gái ngưỡng mộ các chàng diễn viên và thường sưu tầm ảnh của họ để cất trong ngăn kéo hay dán đầy phòng. Nhiều em còn thần tượng hóa các nhân vật trong các ban nhạc.
Những bạn nam tuổi này lại thích những ban nhạc hip hop, thần tượng bóng đá…
Bởi thế, nếu bố mẹ xâm phạm vào sự riêng tư này như đọc trộm nhật ký, nghe trộm điện thoại, hay lục ngăn kéo của con, gặng hỏi, tra vấn qua bạn bè của trẻ… sẽ khiến các em cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm, mất lòng tin ở bố mẹ và càng trở nên khép mình hơn.
Trường hợp của bé Nhi, con gái chị Luyến ở Mỹ Đức, Hà Nội là một điển hình. Thấy cô con gái lớp 10 dạo này hay để ý làm dáng hơn, lại thường xuyên cắt dán những tấm bưu thiếp nhiều màu, chị Luyến lo lo. Một tối, khi Nhi đi dự sinh nhật một cô bạn hàng xóm, chị Luyến vào bàn học của con để kiểm tra. Chị tìm được một cuốn nhật ký dưới ngăn kéo, trong đó, có rất nhiều trang kể về tình cảm đặc biệt Nhi dành cho cậu bạn lớp trưởng học giỏi, đẹp trai. Trong cuốn sổ có bìa màu hồng ấy, chị còn thấy vài tấm bưu thiếp cô bé tự làm nhưng không gửi.
“Con liệu hồn đấy, tí tuổi mà đã bày đặt yêu đương, học hành không lo, suốt ngày cứ chúi mũi vào mấy thứ vớ va vớ vẩn”, chị Luyến vừa chỉ vào mấy tấm bưu thiếp vừa mắng té tát con khi cô bé đi dự sinh nhật về. Nhi đứng sững rồi lao vào góc học tập, ôm khư khư cuốn nhật ký và mấy tấm thiệp, khóc nức nở: “Mẹ, sao mẹ lại làm thế. Con ghét mẹ!”. Sau sự việc này, cô bé trở nên lầm lì, chẳng nói năng gì với mẹ nữa. Sức học của em cũng sút hẳn đi.
“Điều tối kỵ của phụ huynh là lục lọi đồ của con, đọc trộm nhật ký, xem trộm điện thoại… và sau đó lại ngang nhiên đem những điều này ra làm bằng chứng để quát nạt hay chế giễu trẻ. “, chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Bà Thủy cho biết, bố mẹ bao giờ cũng lo lắng cho con, sợ con sa ngã, phát triển lệch hướng hay có những mối quan hệ, quan tâm ảnh hưởng đến việc học hành. Trong xã hội ngày nay, việc này không thừa, nhưng cần phải thể hiện làm sao thật khéo léo, tế nhị để không làm tổn thương trẻ. Bạn có thể quan sát, lắng nghe để tìm hiểu xem thế giới nội tâm của con có tích cực không. Chẳng hạn, nếu cháu khóa ngăn kéo, viết nhật ký là điều bình thường, cần tôn trọng, nhưng sử dụng tiền sai mục đích hay lạm dụng điện thoại thì lại cần nhắc nhở. Ngoài ra, hãy để ý đến trang phục, kết quả học tập, thói quen sinh hoạt của con để phát hiện ngay những dấu hiệu của sự tiêu cực và kịp thời giúp trẻ.
“Cách tốt nhất vẫn là gần gũi, chuyện trò với con, làm sao để trẻ thấy bố mẹ là người bạn lớn thân thiện, đáng tin cậy. Bạn cũng luôn tạo dựng bầu không khí trong gia đình vui tươi, cởi mở, dân chủ, để trẻ tự nguyện bộc bạch”, bà nói. “Và khi trẻ đã tin cậy thổ lộ, bố mẹ hãy tỏ ra cảm thông, chia sẻ và tìm cách để con tự nhận thức và thay đổi nếu thấy trẻ đang làm sai, chứ đừng tỏ thái độ khó chịu hay cấm đoán.
Chẳng hạn, các cháu tuổi teen thích đi chơi với một nhóm bạn và thỉnh thoảng mắc lỗi về muộn. Nếu phụ huynh tra hỏi: “Đi với ai, đi đâu, việc gì…”, trẻ sẽ lảng tránh, nói dối thậm chí tỏ ra bất hợp tác. Hãy nhẹ nhàng nhưng cương quyết góp ý: “Mẹ biết con có chuyện riêng, nhưng theo mẹ chuyện riêng cũng cần có kế hoạch và giờ giấc và phải tôn trọng cái chung của gia đình. Bố và mẹ cũng vậy. Con hãy cho mẹ biết con đi đâu để bố mẹ yên tâm”.
Hay trường hợp khác, một người cha phát hiện cậu con trai lớp 10 của mình có bạn gái. Dù thực sự rất lo lắng và hơi sốc khi nghe con tuyên bố: “Con không thể sống thiếu bạn ấy được và con nghĩ việc đó chẳng có gì là xấu” nhưng anh cố giữ bình tĩnh và nói: “Bố thấy con trai cũng giỏi đấy, có bạn gái ở tuổi này đâu đơn giản, mà có khi con sẽ cưới vợ trước khi tốt nghiệp cấp 3 cũng nên. Bố nói trước là bố chỉ lo tổ chức đám cưới cho con thôi, còn sau đó con phải tự lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình đấy nhé”. Cậu con trai lúc này bỗng giãy nảy: “Ơ, con có điên đâu mà đi cưới vợ vội, đó chỉ là tình cảm học trò thôi mà bố, còn bao nhiêu việc khác…”.
“Kiểm soát thế nào để trẻ cảm thấy vẫn được tôn trọng không đơn giản, nhưng nếu thực sự quan tâm đến con, bố mẹ vẫn có thể làm được”, nhà giáo dục chia sẻ.
Theo Vnexpress