Hiện nay, không ít trẻ đang có những nguy cơ “lão hóa” trước tuổi, trở thành những “ông cụ non”. Sự “lão hóa” ở đây là về tâm hồn trí tuệ, tình cảm, lão hóa trong hành vi ứng xử.
“Cháu lớn rồi”
Chị Lê Lan (Biên Hòa, Đồng Nai) kể: “Đang xem một bộ phim trên tivi, con gái chị – bé Lê Na (bốn tuổi) bĩu môi nhận xét: Cái cô trong phim diễn chẳng đạt gì cả, người đâu mà vô duyên thế không biết. Cả nhà không khỏi ngạc nhiên, bé học đâu cách nói năng ấy thế không biết. Không chỉ dừng lại ở đó, bé Na còn gây “sốc” cho mọi người khi bé chỉ hát những ca khúc người lớn như Vầng trăng khóc, Em gái quê… Khi được hỏi vì sao không hát những bài cô giáo dạy ở trường, bé Na thản nhiên trả lời: Những bài đó chỉ dành cho con nít thôi, còn cháu lớn rồi, phải hát những bài đó mới phù hợp.
Nghe các bé “tâm sự” về chuyện tình cảm, còn thấy “cụ” hơn nữa. Cậu bé Hữu Phước (năm tuổi, Long Thành, Đồng Nai) kể với tôi: “Lớp cháu giờ ai cũng có bồ cả, cháu cũng có đấy. Cháu đang yêu bạn Ngọc Anh cùng lớp. Ngày 8/3 này cháu sẽ tặng bạn ấy chiếc kẹp tóc có hình trái tim, bạn ấy sẽ thích lắm đây”. “Thế Bố mẹ cháu không phản đối à?”. “Cháu nói với bố mẹ rồi, cháu chỉ yêu thôi chứ cháu không cưới bạn ấy đâu”.
Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì cậu bé Chu Tuấn học cùng lớp với Phước chép miệng: “Chuyện yêu đương con nít đó tớ không tham gia đâu nhé, đừng vơ cả nắm mà tớ khỏi chơi đó”.
Nguyên nhân
Trẻ ở lứa tuổi mầm non hay tiểu học thường nhận thức thế giới bằng cảm tính thông qua các giác quan và bắt chước cách diễn đạt từ hành vi, cử chỉ, đến điệu bộ của người lớn.
Mặt khác, một số gia đình giáo dục con cái theo những khuôn mẫu nhất định, hay nói đúng hơn chính sự “cứng nhắc” của cha mẹ, bắt buộc con trẻ phải “gò” theo đúng khuôn mẫu hành vi mà cha mẹ đã bày trước cho chúng. Một số bậc cha mẹ thường cấm con trẻ tham gia các hoạt động xã hội và chính điều đó làm cho trẻ chỉ biết bắt chước khuôn mẫu trong gia đình mà không hoặt rất ít được học hỏi, giao lưu.
Với một số trẻ mang kiểu khí chất trầm và ưu tư, kèm theo đó là sự nhút nhát, ủy mị, kín đáo… nếu như trong gia đình và nhà trường không tìm hiểu và có biện pháp giáo dục phù hợp, đưa trẻ tham gia các hoạt động tập thể thì những đứa trẻ này nhanh chóng “già trước tuổi”. Ngoài ra, hiện nay một số trẻ được thừa hưởng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất trong khi lại thiếu thốn về mặt tinh thần cũng dễ dẫn đến những biểu hiện này.
Biện pháp khắc phục
Hiện tượng “già trước tuổi” của giới trẻ hiện nay phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách. Nhiều người nhầm lẫn sự “già trước tuổi” và sự khôn trước tuổi. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, một là sự già đi của tâm hồn so với lứa tuổi, còn sự khôn trước tuổi là những biểu hiện của sự phát triển vượt trội về trí tuệ. Để khắc phục tình trạng già trước tuổi, theo chúng tôi, trách nhiệm chủ yếu thuộc về gia đình và nhà trường.
Đối với gia đình, cha mẹ cần nắm vững sự phát triển trí tuệ so với lứa tuổi của trẻ; phát hiện, điều chỉnh biểu hiện già trước tuổi của con trẻ cho phù hợp. Đồng thời cha mẹ không nên gò ép con theo những khuôn mẫu cứng nhắc của người lớn; đôi khi để trẻ tự tìm hiểu và tự khám phá thế giới xung quanh bằng chính năng lực của bản thân, giúp trẻ có thể phát triển cân bằng giữa hoạt động vui chơi và học tập; tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động bổ ích của nhóm bạn cùng lứa tuổi, qua đó trẻ được mở rộng và học hỏi rất nhiều thông qua hoạt động giao lưu.
Trong gia đình, cha mẹ cũng nên định hướng cho con trẻ những phương tiện vui chơi giải trí, nhất là các phương tiện như truyền hình, các trò chơi phù hợp với độ tuổi, không nên đáp ứng quá mức các nhu cầu vật chất dẫn đến sự nghèo nàn về tâm hồn. Cần kiểm soát các bộ phim dành cho người lớn, nếu buông lỏng, trẻ dễ dàng bị nhiễm khi mà năng lực điều chỉnh hành vi còn hạn chế. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện già trước tuổi nên định hướng, giáo dục cho trẻ hiểu rằng điều đó không phù hợp với lứa tuổi của chúng; tránh khuyến khích, khen ngợi, biểu dương, nếu không, trẻ càng lạm dụng khi có điều kiện.
Ở nhà trường, đội ngũ các thầy cô giáo cần thường xuyên định hướng, điều khiển, giáo dục để giúp trẻ hứng thú với các hoạt động vui chơi bổ ích. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như tham quan, giao lưu… Qua đó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ. Thông qua các hoạt động giáo dục chung và riêng để định hướng cho các em hiểu rằng, bệnh “già trước tuổi” có thể dẫn đến sự phát triển lệch lạc của nhân cách. Kịp thời chia sẻ, động viên giúp các em nhận thức và điều chỉnh hành vi cho phù hợp trong các mối quan hệ và ứng xử theo độ tuổi. Đặc biệt, đội ngũ thầy cô giáo luôn là tấm gương sáng cho học trò, họ phải thực sự là những người luôn mẫu mực trong lời nói và hành vi.
Theo Phụ nữ TP HCM