Theo thời gian, bé dần học được cách sử dụng các từ để mô tả những gì bé nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và cả suy nghĩ, cảm xúc của bé. Khi bé tạo ra từ đầu tiên là do bé học được ngôn ngữ và cách giao tiếp từ người xung quanh.
Sự phát triển ngôn ngữ
Các bé học hỏi để biết nói chuyện trong hai năm đầu của cuộc sống. Bé của bạn sẽ bắt đầu bằng cách sử dụng môi, lưỡi, chuyển động vòm miệng và răng để tạo nên âm thanh (“o o” và “a a” trong tháng đầu tiên hoặc tháng thứ hai; bắt đầu bập bẹ ngay sau 2 tháng tuổi).
Những âm thanh trở thành những từ thật sự (“baba” và “mama” có thể xuất hiện sớm nhất là 4-5 tháng tuổi). Từ đó, bé sẽ tiếp nhận thêm nhiều ngôn ngữ từ cha mẹ và mọi người khác xung quanh. Từ một đến hai năm, bé bắt đầu hình thành 2-3 câu rõ nghĩa.
Ngôn ngữ theo từng độ tuổi
Một số nhà khoa học tin rằng, việc hiểu ngôn ngữ bắt đầu ngay từ khi bé còn nằm trong tử cung. Bé chưa chào đời có thể phản ứng với âm thanh hay giọng nói của mẹ. Chỉ vài ngày sau khi sinh, bé đã có khả năng phân biệt giọng nói của mẹ so với những người khác.
Tiếng khóc của bé khi chào đời được coi là ngôn ngữ đầu tiên. Ban đầu, bé sẽ bỡ ngỡ khi bước vào thế giới mới và chưa quen thuộc. Trong thế giới đó, bé được tiếp xúc với âm thanh, giọng nói, nhạc điệu mà sau này, hình thành nên ngôn ngữ cho bé. Bằng cách lắng nghe người khác nói, con bạn học được âm thanh, cũng như cấu trúc tạo nên câu.
Giai đoạn 1-3 tháng tuổi: Hình thức giao tiếp sớm nhất của bé là tiếng khóc. Một tiếng khóc thét có thể là do bé bị đói trong khi một tiếng rên rỉ báo hiệu rằng, bé cần được thay tã. Khi bé lớn hơn, bé sẽ sản xuất ra vài “tiết mục” như “phun mưa”, thở dài, “ôm ấp, hôn hít” và trở thành một “máy” sáng tạo âm thanh mini. Khoảng 4 tuần tuổi, bé có thể phân biệt được những âm thanh tương tự, chẳng hạn như “ma” và “na”.
4 tháng: Ở giai đoạn này, con bạn sẽ bắt đầu bập bẹ, kết hợp phụ âm và nguyên âm (như “baba” hay “yaya”). Các từ như “mama” hay “baba” có thể xuất hiện ngay lúc đó hoặc sau đó, khiến cha mẹ có cảm giác như bé đã biết gọi tên mặc dù những âm thanh đó không có nghĩa là “ba, má” như cách người lớn phát âm. Mà phải đợi đến sau này, khi bé gần một năm tuổi thì cách gọi mới chính xác.
Nỗ lực của bé khi nói chuyện sẽ tạo nên một chuỗi các âm thanh “ê, a” không ngừng. Tiếng kêu ré lên cũng là một trò chơi của bé vì bé sử dụng lưỡi, răng, vòm miệng để làm thành nhiều loại tiếng ồn. Ở giai đoạn này, bé bập bẹ những âm thanh như nhau, cho dù bạn nói được tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật trong nhà. Bạn có thể nhận thấy bé kiên định với một kiểu âm thanh nhất định (“ka” hoặc “da”, chẳng hạn), bé lặp lại thường xuyên hơn bởi vì bé thích cách phát âm chúng và cách cử động miệng để tạo ra chúng.
6-9 tháng: Khi bập bẹ và phát âm, bạn có cảm giác như bé nói được một từ có nghĩa “hoa, hoa” hoặc “xa, xa”… . Đó là bởi vì bé sử dụng giọng nói tương tự như cách bạn nói. Hãy kích thích bập bẹ cho bé bằng cách đọc sách.
12-17 tháng: Bé biết sử dụng một hay nhiều từ và biết được những gì bé muốn nói. Thậm chí, bé sẽ nâng cao giọng nói của mình khi đặt một câu hỏi hoặc khi bé ra mệnh lệnh. Bé đã nhận ra được tầm quan trọng của lời nói và biết cách làm thế nào để giao tiếp tốt hơn.
18-24 tháng: Vốn từ vựng của bé gồm khoảng 200 từ, nhiều từ trong số đó là danh từ. Giữa 18 và 20 tháng, bé học chữ với tốc độ 10 từ/ngày (cũng có thể nhiều hơn). Một số bé cứ 90 phút lại học được một từ mới; do đó, hãy linh hoạt với ngôn ngữ của bạn. Bé còn biết xâu chuỗi hai từ với nhau, làm cho câu có nghĩa cơ bản như “Bế con”.
Khoảng 2 tuổi, bé biết sử dụng câu gồm ba từ và hát những giai điệu đơn giản. Bé bắt đầu thích nói về mình – những gì bé thích và không, những gì bé nghĩ và cảm nhận. Cách dùng đại từ nhân xưng có thể gây nhầm lẫn cho bé và bạn có thể tránh cho bé bằng cách dạy con: “Con cảm ơn”, “Con xin ạ”….
25-36 tháng tuổi: Bé nhận diện được các đại từ, chẳng hạn như “con”, “cháu” hay “em”. Giữa lứa tuổi hai và ba, từ vựng của bé sẽ tăng lên đến 300 từ. Bé biết nối danh từ và động từ để hoàn thành những câu đơn giản như “Con đi ngay bây giờ”.
3 tuổi, bé nói sõi hơn. Bé có khả năng duy trì một cuộc trò chuyện và điều chỉnh giọng điệu của mình, xâu nối các câu và từ vựng để người khác hiểu được. Ví dụ, bé sẽ sử dụng các từ đơn giản khi nói chuyện với bạn chơi của mình, nhưng lại dùng nhiều từ phức tạp hơn khi nói với cha mẹ. Bé còn nói trôi chảy được tên, tuổi của mình và sẽ dễ dàng biết cách trả lời khi được hỏi.
Vai trò của bạn
Đơn giản là hãy nói chuyện với con hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy, những bé được nói chuyện nhiều với cha mẹ khi còn nhỏ có chỉ số thông minh cao hơn so với các bé khác; từ vựng của bé cũng phong phú hơn so với những đứa bé không được giao tiếp nhiều.
Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với con ngay khi đang mang thai và giọng nói của bạn sẽ trở nên thân quen với con.
Hãy kể một câu chuyện hoặc hát cho bé của bạn khi hai mẹ con đang ở trong bồn tắm. Khi bé sinh ra, có thể nói chuyện với bé khi bạn thay tã, cho ăn hay tắm cho con và dành thời gian để bé trả lời với một nụ cười hay ánh mắt chăm chú vào mẹ. Khoảng 5 tháng, bạn sẽ nhận thấy bé chăm chú vào cử động miệng của mẹ. Nếu bạn tiếp tục nói chuyện thì ngay sau bé cũng bắt đầu cố gắng để nói chuyện trở lại.
Bé sẽ học nói tốt hơn nếu được mẹ dạy. Bạn không cần phải tránh từ ngữ phức tạp. Có thể ban đầu bé chưa hiểu hết những gì bạn nói nhưng đó là cách để mở rộng vốn từ cho con là lắng nghe cha mẹ dùng từ mới. Điều này quan trọng với bé tuổi chập chững và tuổi mẫu giáo – giai đoạn tiếp tục phát triển ngôn ngữ.
Đọc là một cách tuyệt vời để giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ của con bạn. Bé sẽ vui thích trong giọng nói của mẹ và được lắng nghe những mẩu truyện thú vị; thậm chí, bé sẽ dành phần để nói những gì sắp diễn ra trong sách.
Dấu hiệu cần được quan tâm
Bé mới sinh có vấn đề về thính giác có thể ngừng bập bẹ vào khoảng sáu tháng tuổi. Nếu bé không thực hiện bất kỳ âm thanh nào hoặc không nhìn thẳng vào mắt của mẹ, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu con của bạn không nói bất cứ từ nào ở 15 tháng tuổi hoặc bạn vẫn không thể hiểu một từ bé nói, hãy thảo luận vấn đề với bác sĩ của bạn.
Nếu 3 tuổi bé nói thiếu từ (nói “mèo” thành “mè”, chẳng hạn) hoặc thay thế từ nọ bằng từ kia (“học” thành “tọc”, “sữa” thành “tữa”, chẳng hạn) thì bé có thể gặp trục trặc về thính giác hoặc cách phát âm. Bạn cũng cần nói chuyện với bác sĩ của bé.
Bé ở độ tuổi chập chững dễ nói lắp hoặc nói ngọng. Bạn cần cho phép bé kết thúc câu của mình, tránh “nhảy vào” giúp đỡ bé. Điều đó có thể làm bé mất tự tin và không cố gắng để giao tiếp nữa. Tuy nhiên, nói lắp dai dẳng nên được kiểm tra bởi bác sĩ.