Trong nửa đầu thai kỳ, cảm giác mệt mỏi, buồn nôn là khá phổ biến. Cấp độ nghén khác nhau với từng thai phụ. Bạn có thể chỉ buồn nôn vào buổi sáng hoặc cũng có thể nôn (ói) cả ngày.
Phần lớn trường hợp nghén sẽ kết thúc sau 3 tháng đầu. Nhưng có một số người mẹ vẫn bị nghén đến tháng thứ tư, thứ năm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây nghén vẫn chưa được biết đến. Các chuyên gia cho rằng, nghén là do thay đổi hormone khi mang thai hoặc mất cân bằng lượng đường trong máu. Một số bác sĩ cho là, cơn nghén buổi sáng phổ biến với người mang song thai (đa thai).
Gợi ý đơn giản chống nghén
Mức độ nguy hiểm: Nếu nôn nặng, thường xuyên, bạn dễ bị mất chất lỏng (trong đó gồm cả các chất dinh dưỡng), dẫn tới mất nước. Nếu mất nước, bạn cần đi khám để bác sĩ bổ sung nước ngay lập tức. Khi đó, bạn sẽ phải nhập viện để truyền nước.
Vào buổi sáng: Nếu cảm thấy quá mệt vào buổi sáng, bạn có thể ăn một chút (ngay khi bạn thức giấc, trước khi rời khỏi giường). Có thể nhờ chồng của bạn mang đồ ăn đến hoặc tự bạn chuẩn bị chút đồ ăn (từ tối hôm trước) và để cạnh giường.
Trong cả ngày:
- Ăn ít và thường xuyên (2-3 tiếng/lần), ngay cả khi bạn không đói. Tránh đồ ăn nhiều chất béo hoặc gia vị. Ăn bánh quy, bánh mỳ nướng. Sau khi ăn, hãy ngồi xuống để thức ăn ổn định trong dạ dày. Không đánh răng ngay sau khi ăn vì điều này có thể gây ra nôn.
- Uống đủ nước, có thể lên tới 10-12 ly/ngày, gồm cả sữa, nước quả.
- Trà gừng hoặc gừng dạng viên có thể giúp giảm buồn nôn nhưng không được lạm dụng chúng. Một số nghiên cứu mới đây cho biết, gừng có thể an toàn và hiệu quả với những phụ nữ ốm nghén nếu dùng không quá 4 ngày. Tuy nhiên, hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây ra hiện tượng máu đóng cục. Vì thế, thai phụ dùng lâu không có lợi.
- Nghỉ thành nhiều lần trong ngày. Bạn có thể nằm xuống với hai chiếc gối: 1 dưới đầu và 1 dưới chân.
- Di chuyển từ từ và tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Tránh các loại mùi khiến bạn buồn nôn. Cách ly với khói thuốc là vì nó không chỉ gây hại cho bào thai mà còn khiến người mẹ giảm cảm giác thèm ăn.
- Tập thể dục, đi bộ và hít thở không khí trong lành ngoài trời mỗi ngày.
Vào buổi tối:
- Trước khi đi ngủ, có thể ăn một bữa nhỏ như sữa chua, bánh mỳ hoặc một miếng sandwich.
- Nếu bị tỉnh giấc giữa đêm, bạn có thể ăn một chút để không cảm thấy nôn nao vào buổi sáng.
- Nên mở cửa số để phòng ngủ thoáng khí.
Dấu hiệu nên đi khám
- Các gợi ý chống nghén ở trên không hiệu quả. Bạn bị nôn hơn 3-4 lần/ngày.
- Sút cân.
- Nôn ra lẫn máu hoặc chất đờm trông giống màu cafe.
- Mất nước.
Lưu ý: Nếu bạn lo lắng về tình trạng nghén của mình hoặc nhận thấy dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay.
Nguyen Duong đã bình luận
Em nam nay 24 tuoi va dag mang bau thang dau tien.nhung cong viec e lam lai lien quan den son. Loai son de son oto. Vay neu e cu tiep tuc cv thi co anh huong nhieu den su phat trien cua thai nhi khong a? Mong cho e loi khuyen.