Đen da ở các nếp gấp do tăng sắc tố da thường gặp ở các vùng nếp gấp lớn trong cơ thể bao gồm vùng cổ, nách, bẹn, dưới vú… Trong y học gọi đây là chứng gai đen, là một triệu chứng liên quan đến một số bệnh lý, trong đó phổ biến nhất do nguyên nhân béo phì.
Chỉ báo hiện tượng đề kháng insulin
Triệu chứng này đang khá phổ biến ở trẻ em đến khám béo phì tại phòng khám dinh dưỡng nhi Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM (hiện tại cứ bốn trẻ béo phì thì có một trẻ bị đen da nếp gấp).
Thông thường, người nhà bệnh nhân không biết và thường cho rằng đen da vùng nếp gấp này là do bệnh nhân bị đóng cáu bẩn hay do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, do một bệnh về da liễu… Nhưng thật ra sạm da không phải là các nguyên nhân kể trên mà do bệnh béo phì gây ra.
Chứng đen da vùng nếp gấp là triệu chứng báo hiệu bệnh nhân béo phì có kèm hiện tượng đề kháng insulin trong cơ thể (insulin là một hormon liên quan đến chuyển hóa đường glucose trong cơ thể, nếu thiếu hay bị đề kháng có thể gây bệnh đái tháo đường). Đề kháng insulin là một trong những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường và tim mạch…
Bệnh nhi béo phì có sạm da thường kèm theo vòng bụng to do tích lũy nhiều mỡ bụng, có thể có đường và mỡ trong máu tăng, gan nhiễm mỡ trên siêu âm.
Chứng sạm da trong béo phì không có phương pháp hay thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là các biện pháp ăn kiêng và tăng cường vận động để giảm cân. Nếu điều trị bệnh béo phì tốt, chứng sạm da có thể mờ dần và khỏi hẳn. Thuốc bôi tại chỗ có tác dụng điều trị triệu chứng, tăng cường tính thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Béo phì ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái
Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, theo thống kê tỉ lệ trẻ trai đến khám béo phì chiếm nhiều hơn trẻ gái (63%) và bệnh nhân tập trung nhiều ở lứa tuổi tiền dậy thì (8-12 tuổi) chiếm 60% tổng số trẻ đến khám béo phì. Vì vậy, với các gia đình có con trai và trong lứa tuổi trên nên theo dõi tư vấn cân nặng nếu thấy bé mập hơn bạn cùng lứa tuổi và tăng cân nhanh.
Trẻ béo phì gia tăng nguy cơ bệnh tật
Thống kê ở các trẻ béo phì đến khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy trẻ có tăng huyết áp (32,1%), tăng đường trong máu (7%), tăng mỡ máu (20%) và gan nhiễm mỡ trên siêu âm (50%). Các biến chứng này xuất hiện sớm ở trẻ béo phì chứ không phải đợi đến khi trưởng thành mới mắc như nhiều người vẫn nghĩ.
Ngoài ra trẻ em béo phì cũng có thể mắc các bệnh lý khác như khó thở khi ngủ, hay nhức đầu, biến chứng ở khớp (đau khớp hông, khớp gối, giới hạn vận động) và có nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Một số trẻ béo phì có khuynh hướng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể do đó có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Dự phòng béo phì ở trẻ em
Hạn chế cho trẻ thường xuyên dùng thức ăn, thức uống ngọt, thịt mỡ, thức ăn nhanh và các món chiên ngập dầu, ăn trễ sau 20 giờ. Cho trẻ tăng cường ăn rau và trái cây.
Hạn chế thời gian trẻ giải trí trước màn hình (tivi, vi tính) không quá hai giờ mỗi ngày.
Cho trẻ vận động thể lực cường độ trung bình (thể dục thể thao, chạy giỡn…) ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Lưu ý chế độ ăn, vận động ở trẻ béo phì
– Không kiêng sữa. Nhiều phụ huynh thấy con mập thì không cho uống sữa. Nhưng nếu trẻ trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì mà kiêng sữa sẽ làm trẻ không phát triển hệ xương và chiều cao tốt. Vấn đề là chọn loại sữa không đường hoặc giảm béo.
– Không kiêng ăn sáng. Một số trẻ béo phì chọn giải pháp bỏ ăn sáng để giảm năng lượng. Nhưng điều này nguy hiểm vì sẽ làm giảm khả năng học tập, trẻ buồn ngủ, thiếu tập trung do hạ đường huyết. Ngoài ra cơ thể có xu hướng đói và sẽ ăn bù sau đó trong ngày. Điều này lại làm tăng béo phì vì cơ thể có xu hướng tích tụ năng lượng khi ăn trễ trong ngày.
– Tập ăn chậm. Đa số trẻ béo phì có xu hướng ăn rất nhanh. Một bữa cơm trẻ ăn 5-10 phút là xong. Ăn nhanh làm trẻ chưa thỏa mãn cảm giác đói, trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn so với nhu cầu. Do đó trẻ béo phì nên ăn chậm, một bữa cơm kéo dài ít nhất 20 phút để trẻ có cảm giác no và ăn vừa đủ nhu cầu.
Để đạt được điều này có thể cho trẻ ăn một bát canh vào đầu bữa ăn trước khi ăn cơm, tập trẻ nhai kỹ thức ăn nhiều lần trước khi nuốt, dạy trẻ thỉnh thoảng đặt đũa xuống nghỉ hoặc trò chuyện với các thành viên khác trong bữa ăn cũng giúp kéo dài bữa ăn.
– Chỉ ăn ba bữa/ngày. Ở một số trẻ, ăn cơm chiều trước khi đi học thêm và ăn thêm bữa tối sau khi đi học thêm về cũng là một nguyên nhân gây tăng cân. Phòng tránh trường hợp này bằng cách cho trẻ ăn chiều trước khi đi học thêm, sau khi đi học về không cho trẻ ăn thêm.
Nếu trẻ đói có thể ăn nhẹ, như một cốc sữa không đường hay ít trái cây không ngọt chứ không nên ăn thêm một bữa cơm nữa.
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM