Gần tháng nay người cu Tít bị nổi những vết mẩn đỏ như kiến đốt, gãi sứt hết da. Lúc đầu mẹ Tít tưởng con bị muỗi đốt, nhưng sau mới phát hiện ra thủ phạm chính là… chiếu trúc.
Dù đã bôi thuốc chống côn trùng, loại dành cho trẻ em, nhưng vài hôm người Tít lại nổi một nốt mới, mẹ cũng đã vệ sinh nhà cửa, phun thuốc chống muỗi… Thấy không hiệu quả, mẹ Tít còn giặt chăn màn, vệ sinh giường đệm, còn ông nội thì đem ngâm chiếc chiếu trúc mà Tít hay nằm. Ngâm khoảng nửa ngày thì trong chậu nước nổi lên dày đặc những con mọt trắng li ti khiến cả nhà hoảng hốt.
Rất nhiều phụ huynh tập trung chăm sóc, vệ sinh cá nhân và chăn màn cho bé mà sao lãng hoặc không để ý đến chiếu, nệm… bởi cho rằng đây là những vật ít khi bị bẩn. Với chiếu trúc thì chỉ cần lau sạch bề mặt là được, tuy nhiên, sự thực thì không phải thế.
Chiếu trúc để lâu ngày sẽ sinh ra những con mạt nhỏ như hạt bụi và khó nhìn được bằng mắt thường, đây là tác nhân gây các chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy và thậm chí là gây bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ.
Chiếu trúc tiềm ẩn nhiều mạt li ti gây bệnh.
Một số gia đình thấy con bị nổi mẩn ngứa khắp người thường nghĩ là bé bị dị ứng, như trường hợp của Tít, được mẹ dẫn đến bệnh viện kiểm tra sau khi phát hiện dưới chiếu có mọt, bác sĩ kiểm tra kỹ phát hiện trên người Tít có dính lác đác một vài con bọ trắng li ti, khó nhìn bằng mắt thường.
Mùa hè, một số gia đình có thói quen trải chiếu trúc lên trên đệm để cho con nằm, vừa thoáng mát, vừa tiện lợi. Chiếu và đệm để lâu ngày không được giặt và phơi nắng sẽ là ổ vi trùng gây bệnh vô cùng nguy hiểm đối với con nhỏ.
Phơi chăn, chiếu, đệm thường xuyên
Vi trùng, vi khuẩn, mạt… có thể khu trú quanh năm trên chăn đệm, chiếu, nhất là chiếu trúc vì nặng và khó giặt, nên điều quan trọng nhất là phải vệ sinh chăn chiếu, phơi đệm ra nắng thường xuyên.
Với chiếu trúc, ngoài việc vệ sinh bề mặt, cần thường xuyên ngâm rửa để loại bỏ những bụi bẩn bám vào khe chiếu.
Nhiều gia đình có thói quen dùng chiếu, nệm… suốt mùa đông mới đem phơi nắng nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên giặt sạch sẽ vỏ chăn, ga, phơi chiếu, đệm mỗi khi trời nắng để mạt không có cơ hội phát triển.
Giữ cho phòng ngủ và nhà thoáng mát, sạch sẽ để tránh những tác nhân gây dị ứng cho trẻ nhỏ.
Nếu thấy chiếu trúc không hợp với con hoặc là cảm thấy việc vệ sinh không được đảm bảo, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn cho con dùng chiếu cói bình thường, vẫn giữ được độ thoáng mát và việc vệ sinh rất dễ dàng.