Một em bé sinh ra sớm hơn một tuần so với thai nhi bình thường sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe như bệnh tự kỷ và khiếm thính. Đây là nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học sức khỏe của Thư viện công cộng của Anh.
Theo nghiên cứu, trẻ sinh ra ở tuần mang thai thứ 39 – thời kỳ các bà mẹ thường lên kế hoạch phẫu thuật mổ lấy thai nhi – có xu hướng dễ gặp khó khăn trong học tập hơn là những đứa trẻ sinh ra ở 40 tuần của thai kỳ.
Kết luận này là phân tích của các chuyên gia của Đại học Glasgow ở Scotland sau khi nghiên cứu dữ liệu sinh của hơn 400.000 trẻ em. Họ thấy rằng có 5,1% những đứa trẻ sinh ra ở tuần 37 đến 39 có nguy cơ gặp rắc rồi về sức khoẻ sau này, trong khi em bé sinh ra ở tuần 40 chỉ có 4% bị rủi ro.
Với sự gia tăng các thủ tục mổ lấy thai ở 39 tuần tuổi, phát hiện này đặt ra cho y học và các ông bố bà mẹ một mối quan tâm đáng kể. Các bà mẹ chọn mổ lấy thai mà không đủ lý do về y tế có nghĩa là khiến con cái họ đối mặt với nguy cơ gặp khó khăn trong học tập.
Jill Pell, giáo sư của Đại học Glasgow cho rằng các bà mẹ mang thai và các bác sĩ nên xem xét kỹ các rủi ro này trước khi tiến hành phẫu thuật mổ thai nhi.
Không giống như nguy cơ trẻ sơ sinh trước 24 tuần tuổi vốn đã được nói đến nhiều, những rủi ro sức khỏe của em bé sinh ra sớm hơn một tuần theo lịch trình tự nhiên chưa được nghiên cứu rộng rãi. Trong thực tế, có khoảng 30% trẻ sơ sinh ra giữa khoảng 37 và 39 tuần thai.
Theo dữ liệu của WHO, số lượng phụ nữ chọn phẫu thuật mổ lấy thai nhi tiếp tục tăng trên thế giới. Ngay cả những số ca mổ lấy thai mà không có một lý do y tế rõ ràng cũng đang gia tăng đáng kể.
Trong số 400.000 trẻ em được lấy dữ liệu phân tích trong nghiên cứu này, có 18.000 là những trẻ em được liệt vào phạm trù có nhu cầu đặc biệt, chứng tự kỷ, rối loạn tăng động, và thị lực kém.