Mụn thường gặp ở tuổi mới lớn, nhưng hiện nay nhiều phụ huynh thắc mắc con mình mới 8-9 tuổi cũng bị mụn…
20% trường hợp mụn trứng cá ở dạng nặng và có sẹo vĩnh viễn. Đây là một bệnh ngoài da mãn tính, có nhiều cơn bộc phát kéo dài trong nhiều năm. Bệnh lành tính nhưng gây mất thẩm mỹ, có thể để lại sẹo xấu làm bệnh nhân mất tự tin và giảm chất lượng cuộc sống.
Bình thường, tuyến bã nhờn cung cấp chất nhờn để giữ cho làn da mịn màng. Thương tổn mụn xuất hiện do sự tăng tiết chất bã nhờn, ứ đọng lại ở lỗ chân lông và bội nhiễm vi khuẩn Propionibacterium acnes, thường là do di truyền. Sang thương mụn là những phát ban đa dạng: sẩn, mụn mủ, nang, nốt, sẹo… và cồi mụn hay nhân trứng cá ở vùng da tiết bã nhờn nhiều.
Vị trí mụn thường gặp:
- Mặt: hai bên má, mũi, trán, cằm (vùng chữ T).
- Vai, vùng trước ngực, lưng. + Mông, hai cánh tay, hai đùi.
- Một số trường hợp biến thể của mụn có thể gây viêm nhiễm nặng, thường gặp ở nam giới, với các triệu chứng toàn thân phải nhập viện điều trị.
Tuổi nào bị mụn trứng cá?
+ Mụn trứng cá thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên (90%), bắt đầu sớm nhất khoảng 8-9 tuổi, thường ở các bé gái, hay 12-13 tuổi đối với bé trai, nhưng cũng có thể gặp từ trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi trung niên.
+ Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh có thể phát triển ở những bé từ vài tuần sau sinh đến 3 tuổi, đa số ở bé nam và thường nhầm lẫn với các bệnh lý ngoài da khác. Sang thương mụn thường xuất hiện ở gò má, trán, cằm của bé.
Bệnh có thể tự khỏi sau ba tháng, chỉ cần giữ vệ sinh da mặt cho bé, không cần điều trị đặc hiệu. Việc sử dụng các loại kem, thuốc bôi ngoài da cho trẻ sơ sinh có thể làm hỏng da mặt của bé và làm bệnh nặng thêm.
Nguyên nhân bé sơ sinh bị mụn trứng cá có thể là di truyền, do ảnh hưởng của kích thích tố từ mẹ truyền sang con lúc mang thai, khi sự sản xuất androgen của tuyến thượng thận chưa cân bằng.
+ 95-100% nam giới và 80-85% nữ tuổi 16-17 bị mụn.
+ 12% nữ, 5% nam độ tuổi 25; 5% (nữ nhiều hơn nam) độ tuổi 45 vẫn có thể bị mụn.
Nguyên nhân sinh mụn
Mụn trứng cá không phải do bệnh gan sinh ra. Có nhiều yếu tố làm phát sinh mụn trứng cá.
Việc điều trị mụn cần có thời gian, phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau cũng như cần có sự phối hợp tốt giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Không thể đặt vấn đề “chi phí điều trị trọn gói” đối với một trường hợp mụn trứng cá.
- Yếu tố then chốt là di truyền: Nếu cả cha và mẹ đều bị mụn trứng cá, 3/4 các con có thể sẽ có mụn. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ bị mụn trứng cá, 1/4 các con có thể sẽ có mụn.
- Khuynh hướng tăng sinh các nang thượng bì làm bít kín nang lông.
- Sự tăng tiết chất bã nhờn, sự viêm nhiễm và tác động của vi khuẩn Propionibacterium acnes.
- Yếu tố thuận lợi phát sinh mụn:
- Thức ăn nhiều gia vị cay, chất ngọt, chất béo, cà phê… vì có thể kích thích tăng tiết bã nhờn gây nên các đợt bùng phát mụn viêm nhiễm nặng.
- Nội tiết: mụn trứng cá có thể xuất hiện nhiều trước kỳ kinh, khi có rối loạn kinh nguyệt, lúc mang thai, hội chứng buồng trứng đa nang…
- Thần kinh: thức khuya, căng thẳng tinh thần, lo lắng quá mức…
- Thuốc, mỹ phẩm, hóa chất: dầu khoáng chất, iod, lithium, thuốc kháng động kinh, thuốc chống lao, vitamin B12, corticoid… có thể gây mụn.
Nguyên tắc điều trị mụn
Thuốc trị mụn trứng cá phổ biến là các chế phẩm bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ với mục đích chống viêm nhiễm, giảm sừng hóa da, chống tiết bã nhờn. Trường hợp trứng cá nặng, bội nhiễm, kháng sinh đường uống cũng được các bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định. Isotretinoin, nội tiết tố có thể được sử dụng trong một số trường hợp.
Các phương cách trên chỉ giới hạn ở việc điều trị triệu chứng, chứ không giải quyết được nguyên nhân gây mụn trứng cá cũng như không thể ngăn ngừa mụn tái phát. Hiện nay liệu pháp ánh sáng cũng thường được sử dụng phối hợp để tăng hiệu quả điều trị.
Sẹo mụn có thể được xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau như: tái tạo bề mặt da bằng laser, vi phẫu hay ghép da.
Người bị mụn trứng cá cần lưu ý
- Không nặn mụn. Việc lấy nhân mụn hay tiểu phẫu rạch mụn thoát mủ phải được thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Tránh dùng các loại thuốc uống, thuốc bôi trị mụn có chất corticoid; các loại kem trộn tự pha chế vì có thể làm mụn phát triển nhiều thêm sau giai đoạn tạm lui bệnh lúc đầu.
- Khi đang bị mụn không dùng các loại sữa rửa mặt, mỹ phẩm…vì có thể làm da mặt bị kích thích tăng sinh mụn. Không đắp các loại hoa quả lên da mặt để tránh gây viêm nhiễm thêm.
- Kiêng cữ các thức ăn ngọt, béo, nhiều gia vị. Nên uống đủ nước, dùng nhiều rau xanh, trái cây tươi, tránh táo bón. Hạn chế dùng các loại sữa nguồn gốc động vật vì bệnh có liên quan đến yếu tố nội tiết. Không thức khuya.
- Bệnh nhân nữ nếu dự định mang thai, đang có thai hoặc đang cho con bú, cần thông báo cho bác sĩ điều trị trước khi dùng bất kỳ loại thuốc trị mụn nào, kể cả thuốc bôi.
Tóm lại, phụ huynh cần hiểu rõ về bệnh lý này để hướng dẫn, chăm sóc các cháu đúng phương pháp, tránh làm hỏng da mặt, gây ức chế tâm lý các cháu về sau.
Theo Bác sĩ Lê Đức Thọ (BV Hoàn Mỹ TP. HCM)