Khác với người lớn, khi gặp biến cố, trẻ em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm hơn người lớn do các em chưa có khả năng chủ động thích ứng, đối phó với những vấn đề gặp phải.
Trẻ em dễ bị trầm cảm trước những biến cố gia đình.
Trẻ dễ trầm cảm sau biến cố gia đình
Kể từ ngày bà nội mất, bé Diễm, 5 tuổi (phường 7, quận 3, TP.HCM) trở nên ít nói cười, lười ăn, ở lớp bé không còn thích chơi cùng các bạn như trước nữa. Bé lúc nào cũng như thất thần, ngơ ngác, mỗi khi nghe ai nhắc đến nội lại khóc lạc cả giọng đi.
Nhiễm virut HIV từ mẹ, bé Thanh, 6 tuổi (đường Bình Giã, quận Tân Bình) ở với ông bà ngoại. Thường xuyên sốt cao, uống thuốc như cơm bữa khiến bé phải đến bệnh viện thường xuyên.
Trước những câu hỏi của cháu: “Vì sao con phải hay đến bệnh viện, uống thuốc? Vì sao người con nổi đầy nhọt mà các bạn lại không bị”, ông bà vẫn thường trấn an cháu bằng cách nói ngược lại với hiện trạng bệnh tình.
Một lần, người hàng xóm ác ý nói cho bé Thanh biết rõ bệnh tình của mình, từ đó bé trở nên buồn bã, hay cáu gắt vô cớ, suốt ngày thu mình trong phòng.
Theo chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp – Phó trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, các bé nêu trên đã rơi vào trạng thái tâm lý: rối loạn thích ứng.
Rối loạn thích ứng là phản ứng cảm xúc hoặc hành vi của trẻ trước một số thay đổi lớn, gây căng thẳng thần kinh như người thân mất, cha mẹ ly hôn, bỗng nhận ra những khiếm khuyết trên cơ thể mình… dưới những biểu hiện khác nhau như buồn và thích sống một mình, có thể khóc nhiều, khó ngủ, chán ăn, luôn cảm thấy thất vọng, lo âu hoặc đôi khi có vẻ căng thẳng, cáu gắt, lo lắng,…
Theo ông Điệp, khác với người lớn, khi gặp biến cố, trẻ em dễ rơi vào trạng thái trầm cảm hơn do các em chưa có khả năng chủ động thích ứng, đối phó với những vấn đề gặp phải.
Không nên nói dối trẻ
Bé Khắc Thống, 9 tuổi (quận Bình Tân, TP.HCM) không may mắn bị di truyền từ ông ngoại căn bệnh không có răng. Từ nhỏ đến lớp 2, em vẫn vô tư, vui vẻ như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng bắt đầu từ khi lên lớp 3, bé Thống bắt đầu có những biểu hiện buồn bã, nhút nhát, sống thu mình.
Chị Hoa, mẹ bé Thống, cho hay, khi con còn nhỏ, chị cũng thường nói dối con bằng những câu như: “Lớn lên, con cũng sẽ có răng như các bạn”, “Hồi nhỏ, mẹ cũng không có răng như con”,…
Tuy nhiên, khi lên lớp 3, thấy mình khác với tất cả bạn bè trong lớp, Khắc Thống thường hay cáu gắt, biểu hiện những thái độ vùng vằng với mẹ.
Theo ông Ngô Xuân Điệp, trong những trường hợp trên, các bậc phụ huynh không nên nói dối con mà hãy nói sự thật một cách khéo léo. Chẳng hạn, khi trong gia đình có bà nội mất, hãy động viên trẻ: “Bà đi rất xa, không thể về với con được, nhưng bà luôn theo dõi con học hành, vui chơi từng ngày”…
Với trường hợp những đứa trẻ bị nhiễm HIV, người thân nên nói với trẻ những câu như: “Trong con người con có một số con virus và những chú bộ đội tý hon. Những con virus sẽ đánh nhau với các chú bộ đội, khiến càng ngày con càng mệt hơn. Nhưng chỉ cần con uống thuốc và ăn uống đều đặn là sẽ khỏe…”.
“Trẻ con vốn có niềm tin rất lớn vào người lớn, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Khi bị trẻ phát hiện ra sự thật, lòng tin đổ vỡ sẽ khiến trẻ sẽ bị sốc và dễ có những hành động dại dột” – Ông Điệp giải thích.
Bà Phạm Thị Thúy – Giảng viên môn Xã hội học, Phương pháp sư phạm – kĩ năng giao tiếp, Học viện hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, với những trường hợp trên, phụ huynh hãy nói với trẻ tất cả sự thật.
“Trẻ em nhạy cảm nhưng cũng mau quên, khi trẻ đang bị stress, gia đình nên trò chuyện thường xuyên với trẻ, kể những câu chuyện tương tự như hoàn cảnh của trẻ và đưa ra những giải pháp, trẻ sẽ thấy bớt bỡ ngỡ. Hoặc nên đưa trẻ đi chơi những nơi trẻ thích như về quê, đi công viên, tắm biển…Đặc biệt, hãy ôm trẻ vào lòng thật nhiều, sự tiếp xúc xúc giác sẽ giúp con người đỡ căng thẳng, nhất là trẻ em”.
Chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp khuyến cáo: nếu trẻ có những biểu hiện trầm cảm quá 6 tháng, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để có những biện pháp điều trị kịp thời.