“Chắc nó phải vía của bà rồi, mỗi lần bà lên thăm cháu là kiểu gì nó cũng ốm lăn ra. Có lẽ cháu nó không quen hơi người lạ bà ạ”!
“Chăm con là việc của cô”!
Mấy ngày con nghỉ lễ, không ít bố mẹ nhọc lòng lo người trông con. Để cho công bằng, vợ chồng anh Bình, chị Hạnh phân chia thế này: Chồng trông con hai ngày đầu, vợ trông con hai ngày cuối.
Khi đã xong xuôi việc đùn đẩy trông con trong mấy ngày nghỉ không thành công, anh Bình nằm thườn ở nhà, mắt không dám rời khỏi đứa con trai 3 tuổi của mình.
Nằm ở nhà mãi cũng chán, nhất là mấy ông bạn gọi điện rủ đi nhậu nhẹt. Vì đã đảm nhận vai trò làm “vú em” cho con hai ngày đầu nên anh Bình đành phải ngậm ngùi “vác” con đi theo.
Khi được cánh bạn bè hỏi mẹ nó đi đâu thì anh Bình đành phải cười chữa ngượng: “Nay ngày nghỉ nên tôi muốn đưa thằng nhỏ đi hít thở không khí cho dạn dày và cứng cáp ấy mà”.
Dù gật đầu nhưng mọi người đều hiểu có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời anh Bình nói. Bởi đây không phải là lần đầu tiên mọi người bắt gặp cái cảnh tượng này.
Nói thế thôi chứ trong lòng anh Bình tức tối lắm. Ngồi uống rượu với mấy ông bạn mà bị con tra tấn “lia lịa”. Khi thì con đòi ăn, đòi uống sữa, rồi đòi tè, đòi ị…
Anh Bình quay như chong chóng, còn mấy ông bạn cười khẩy, khen anh đảm đang. Nuốt cục tức vào trong, anh Bình cố gắng làm một ông bố yêu con.
Nhưng vừa về đến nhà, sẵn có hơi bia, bao bực dọc trong người anh Bình thể hiện hết ra mặt rồi qua lời: “Thật xấu hổ không chịu được, uống cốc bia cũng không yên với cái của nợ kia. Chăm con là việc của cô, cô là mẹ nó mà. Thế mà cứ đùn đẩy cho chồng, thật chả ra làm sao cả”.
– “Chả lẽ nó là con của riêng một mình tôi chắc?”, chị Hạnh cũng không vừa. Thế là anh Bình không nói được gì nữa.
Tương tự, chị Uyên còn chưa nguôi ngoai cơn giận chồng vì đã lỡ hẹn với chuyến đi chơi Mai Châu (Hòa Bình). Thế nên chị tính “trả đũa” chồng bằng cách “chia sẻ” nhiệm vụ trông con với mình cho bõ tức.
Anh Châu là nhân viên kinh doanh, còn chị Uyên chỉ ở nhà nội trợ. Là người đam mê công việc nên đi chơi xa với anh Châu là một điều xa xỉ. Vậy mới có chuyện vợ chồng anh ngồi phân trần, đôi co xem ai sẽ phải trông hai đứa con vào dịp lễ.
Nhẹ nhàng mãi không được, khi bị vợ nói ngang, anh Châu đâm gắt: “Cô nói hay nhỉ? Có mỗi hai đứa con mà không nuôi nổi thì chết quách đi cho rồi. Tôi có nhiệm vụ kiếm tiền nuôi sống cả nhà, cô còn muốn gì nữa?”
Nghĩ chồng đang chê mình là đồ “ăn bám” nên chị Uyên tự ái: “Vâng, tôi là loại không ra gì chỉ biết ăn không ngồi rồi, nằm nhà chờ chồng đem tiền về để ăn tiêu”.
Biết vô tình làm tổn thương vợ nên anh Châu đành hạ giọng, xuống nước năn nỉ vợ bỏ qua.
Cháu ốm đâu phải lỗi của bà?
Không có cơ hội đi du lịch vào dịp lễ 30/4- 1/5 nên chị Loan tính bù khú với nhóm bạn gái thời đại học. Nhưng vì con còn nhỏ nên chị băn khoăn không biết sẽ phải gửi ai?
Trong khi đó, ô sin lại mới xin nghỉ việc để về quê lấy chồng. Túng bấn, chị Loan định bụng sẽ nhờ một tay bà Nội lên trông cháu giúp.
Thế là ngay tức khắc bà Nội ở quê được “mời” lên chơi với con cháu ít bữa. Dù đường đất xa xôi và vất vả với cái tuổi 72 của mình nhưng mẹ chồng chị Loan vẫn lên thăm con cháu. Thế là tự nhiên anh chị rảnh tay, đứa nhỏ đã có “bảo mẫu” miễn phí.
Chẳng biết thời tiết thay đổi thế nào mà ngay hôm đầu tiên bà Nội trông nom, thằng nhóc bỗng nhiên ho khù khụ. Mẹ chồng chị lúng túng bấm số gọi điện cho các con. Thế là chồng thì đang liên hoan say khướt, còn vợ cũng đang tán gẫu với bạn bè đã phải tá hỏa chạy về nhà.
Chưa vào đến cửa, chị Loan đã tru tréo: “Chắc bà lại cho cháu ra ngoài gió chứ gì? Mọi hôm nó có sao đâu?”. Miệng nói, tay chị Loan “múa máy” trước mặt mẹ chồng. Sau đó là một tràng dài chị Loan giảng giải cho mẹ chồng biết rằng cháu nó kiêng gió và kiêng đủ thứ luôn.
Mẹ chồng chị thấy tủi thân và chạnh lòng, ngày xưa nuôi thất thảy cả năm đứa con, kinh nghiệm đầy mình, vậy mà giờ đành ngậm ngùi nghe con dâu “giảng đạo”. Vậy là ngay sáng 1/5, bà Nội về quê.
Thế là hai vợ chồng chị Loan lại khốn khổ với đứa con vì ai cũng có lý do bận rộn cả. Chồng trách vợ ăn nói sưng sỉa khiến bà Nội giận mà bỏ về. Vợ lại đay nghiến chồng bênh mẹ, coi vợ không ra gì. Nhưng cuối cùng thì cả hai vợ chồng “giam” nhau ở nhà.