Rất nhiều cha mẹ khi thấy con bướng bỉnh đã cho rằng: “Phải trị cho đến nơi đến chốn, mới tí tuổi đã ương bướng!”. Nhưng chính cách “trị đến nơi đến chốn” này của cha mẹ đã vô tình bóp nghẹt nhân cách đứa con ngay từ những bước đi đầu.
Bướng bỉnh để khẳng định bản thân
Bé Gia Bảo, 5 tuổi, chơi đá bóng trong nhà. Mẹ bảo: “Gia Bảo ra sân đá bóng đi!”. “Không, con thích chơi trong nhà”- con đáp lại. “Nếu con cứ đá bóng trong nhà sẽ làm vỡ ly cốc trên nóc tủ lạnh đấy”. Gia Bảo không nói gì, cố tình xoay người để hướng quả bóng về phía giàn ly cốc để trên nóc tủ lạnh sút. Cả giàn ly cốc đổ xuống đất vỡ tan tành. Bực mình khi nhìn đống thuỷ tinh ngổn ngang trong nhà, mẹ lôi xềnh xệch Bảo ra ngoài sân, lấy chổi vụt lia lịa vào chân, sau đó lấy kéo cắt tan quả bóng ném vào sọt rác. Gia Bảo khóc ầm ĩ nhưng cương quyết không xin lỗi mẹ. Sau nhiều lần tương tự, chị Mai-mẹ của Gia Bảo đã phải tìm đến Đơn vị khám Tâm lý Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm hiểu lý do vì sao con mình lại luôn làm trái lời mẹ.
Tại diễn đàn Làm cha mẹ, không ít các bà mẹ đã phải lập những chủ đề về việc trị chứng ương bướng của con như thế nào. Một mẹ có nick name là Me Cutet khơi mào: “Mẹ nào có kinh nghiệm điều trị cao thủ này không? Con gái em 2 tuổi mà càng ngày càng đanh đá. Cháu mà không vừa lòng là hét lên ầm ầm, đòi gì là phải được nấy… Mẹ cháu lo quá, cứ thế này thì khi lớn lên làm sao mà thành con gái ngoan được. “Một mẹ khác chia sẻ: Bệnh của con bạn chắc cũng giống bệnh của con mình, ở nhà được ông bà chiều, quen đòi hỏi… Có lần mình đã phải dùng đến roi vọt, đánh 1 lần thật đau để cho biết sợ. Thà để nó đau 1 lần còn hơn sau này không dạy bảo được. Đến lúc đó, ra ngoài đời, còn nhiều điều đau hơn”…
Theo nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em Nguyễn Hạc Đạm Thư, trẻ ở độ tuổi từ 3-5 tuổi là lứa tuổi bướng bỉnh nhất, thường làm trái ý cha mẹ và gây cho người lớn rất nhiều sự bực bội. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phát triển tâm lý hết sức bình thường bởi ở lứa tuổi này, trẻ đã có thể tự xúc cơm ăn, tự lau rửa tay, tự đi vệ sinh mà không cần có sự trợ giúp của người lớn. Vì vậy, việc trẻ muốn khẳng định mình, làm theo ý muốn của mình là một bước phát triển mới trong sự hình thành nhân cách của trẻ.
Trị con hay làm hỏng con?
Nhiều bậc cha mẹ do không hiểu quá trình phát triển tâm lý của trẻ nên hễ thấy trẻ bướng bỉnh, luôn làm trái ý đã vội vàng cho rằng trẻ mới nứt mắt đã hư, cần trị cho đến nơi đến chốn bằng roi vọt. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý trị liệu đã nhận thấy có những trường hợp rối nhiễu tâm trí ở những người con thường xuyên bị đòn roi từ ngày nhỏ.
Nếu đứa trẻ bị đòn roi nhiều, hoặc sẽ trở nên bướng bỉnh hơn, hoặc sẽ ngoan ngoãn vâng lời. Tuy nhiên, chính sự răm rắp vâng lời này sẽ để lại hậu quả là khi đứa trẻ đến trường học sẽ tỏ ra là đứa bé nhu nhược, thiếu óc sáng tạo, ý chí bạc nhược, không dám đương đầu với những trở ngại và luôn lẩn tránh những khó khăn. “Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình như vậy lại cho rằng con mình là cù lần. Nhưng nào ngờ chính họ đã bóp nghẹt nhân cách đứa con ngay từ những bước đầu tiên của quá trình hình thành và phát triển nhân cách”- bà Đạm Thư nhận xét.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh, Trung tâm Tư vấn Hạnh phúc Gia đình (TƯ Hội KHHGĐ Việt Nam) cũng cho rằng, các bậc cha mẹ nếu ở trong giai đoạn đối mặt với tính bướng bỉnh của con thì nên chấp nhận những cái chống đối thường ngày của trẻ. Bởi đây là đặc điểm tâm lý lứa tuổi, không nên vì thế mà quy chụp trẻ hư, cần phải “điều trị”.
Nữ Tiến sỹ tâm lý học người Anh P.Leach sau nhiều năm nghiên cứu về tác động của trẻ thơ đến cha mẹ đã khuyến cáo: Khi buộc trẻ phải làm những gì trẻ không thích hoặc ngăn cấm những điều trẻ đang háo hức làm thì nên lái trẻ một cách nhẹ nhàng. Tránh thách thức trẻ bằng những câu ra lệnh có tính tuyệt đối như: “Phải làm” hoặc “Không được làm”. Vì như vậy sẽ chỉ có tác dụng làm bùng nổ những cơn hờn dỗi ở trẻ. Nên cho trẻ một lối thoát hơn là dùng áp lực.
“Nếu cha mẹ quyết chí rèn giũa tính bướng bỉnh của con theo kiểu “trị cho đến nơi đến chốn bằng roi vọt” thì sẽ thường gặp phải phản ứng dữ dội của trẻ như: Trẻ lăn đùng ra khóc, hoặc ngồi trơ lỳ, không nhúc nhích, hoặc sau đó sẽ răm rắp vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, cả ba loại phản ứng trên đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách sau này của trẻ”.