Ngày càng có nhiều vụ xâm hại tình dục nhằm vào trẻ em. Một tội ác phải được ngăn chặn, với trẻ luôn là quá muộn nếu việc xảy ra.
Không ít phụ huynh lo xa đã sớm nghĩ đến việc hướng dẫn trẻ những kỹ năng đối phó “yêu râu xanh”. Nhiều chi tiết, nhưng căn bản trẻ thường được dặn cảnh giác với người lạ. Một sự đề phòng cần thiết, nhưng nếu quá tay có thể vô tình gieo vào đầu trẻ sự “phân biệt đối xử” với bất kỳ ai “lạ” dưới mắt trẻ. Nếu là con gái, nhiều phụ huynh cả lo còn mở rộng “diện tình nghi” bất kỳ lạ quen miễn là… đàn ông. Sự cảnh giác thái quá này sẽ không hay cho một đứa trẻ khi nửa thế giới đầy kẻ xấu và sự thân mật lại mang bộ mặt âm mưu.
Một băn khoăn nữa cần lưu ý, đó là trong “giáo trình” đối phó trường hợp trẻ bị tấn công, nhiều phụ huynh vô tình nhấn mạnh hơi quá khía cạnh “chống cự” như la hét cầu cứu, thậm chí cào cấu… Về lý có thể hiểu được, nhưng xét kỹ, trong một vụ xâm hại tình dục thì kỹ năng này hơi nguy hiểm cho nạn nhân bởi mọi gã “yêu râu xanh” đều có thể sẵn trong đầu ý định “diệt khẩu”. Trong nhiều vụ tấn công trẻ, nạn nhân giữ được tính mạng nhờ thủ phạm tin vào sự non nớt, sợ hãi tuyệt đối của trẻ. Rất cần cân nhắc khi hướng dẫn trẻ tự tước mất lợi thế hộ thân của mình.
Thời gian trước, báo chí từng đưa tin một bé gái một mình mưu trí dũng cảm chống lại hai tên cướp đột nhập vào nhà khi người lớn đi vắng. Giật mình là có tác giả tâng bốc hơi quá về “điển hình” này. Có lẽ đây là cách “khen ngợi” cần xem lại: có quá nguy hiểm không khi “cổ xúy” một đứa trẻ làm “người hùng” trong tình cảnh tương tự? Cậu bé Kevin do Macaulay Culkin thủ vai, trong loạt phim nổi tiếng Ở nhà một mình, cho hai tên trộm to xác “lên bờ xuống ruộng” chỉ là một tác phẩm hư cấu.
Cả với người lớn, vấn đề trên cũng được đặt ra. Gần đây, người ta đưa ra thị trường một loại bao cao su “chống cưỡng bức” với khả năng làm… đau kẻ “xâm nhập bất hợp pháp”. Nhiều người hoan hô, nhưng cũng lắm ý kiến phản đối cho đó là một kiểu tự vệ “tự sát”. Rõ ràng lành ít dữ nhiều cho nạn nhân nếu chọc tức thủ phạm nổi khùng lúc đó.
Thật ra, giải quyết mâu thuẫn “chống cự hay không chống cự” là một việc khó. Không dễ chỉ cho trẻ hiểu cách dung hòa các khái niệm “không chống cự”, “chống cự” hoặc “chống cự có điều kiện” với sự an toàn. Không ai muốn trẻ bị xâm hại, nhưng cũng không ai an lòng nếu lỡ chuyện xảy ra mà trẻ có những động thái gây nguy hiểm cho mình. Có lẽ, hay nhất, người lớn nên nhắm vào kỹ năng “thoát thân” nhiều hơn. Có nhiều cách thoát thân như lảng đi, bỏ chạy, cầu cứu… nhưng thoát thân với mục đích an toàn khác với thoát thân bằng đối đầu.
Không ai muốn chuyện không hay xảy đến với thiên thần nhỏ của mình. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Có rất ít cơ may để một đứa trẻ làm “người hùng” trước một kẻ thủ ác to xác hơn và ranh ma hơn. Dù thế nào, thành công của các bậc huynh là làm sao đưa đứa trẻ không may trở về lành lặn trong vòng tay mình.
Theo Phụ nữ TP HCM