Quá bực vì chờ chồng đi nhậu nên khi thấy Bill (con trai 2 tuổi) làm đổ sữa ra áo, Mai không bình tĩnh được, quát tháo ầm ĩ và ‘tét đít’ con liên tục.
Bị mẹ đánh, bé Bill lăn đùng ra đất ăn vạ, khiến chỗ sữa còn lại trong cốc đổ lênh láng trên sàn nhà. Sẵn cơn nóng nảy, Mai càng ra sức quát con, vừa tiếp tục đánh vào mông bé. Một lúc sau thấy con sợ sệt, ngồi một chỗ “khóc ti tỉ”, Mai mới thấy hối hận và xót con.
Mai cho biết, bé Bill chưa biết cách cầm một cốc sữa và uống cho thành thạo. Bé liên tục lơ đễnh và làm nghiêng cốc sữa, khiến sữa vấy bẩn lên quần áo. Lần này, lỗi của Bill không đáng bị mẹ đánh đòn nhưng vì bực bội chồng nên Mai khó kiềm chế.
Cùng cảnh với Mai, dạo này Cẩm (Hà Nội) tự nhận thấy mình hay quát mắng và đánh con vô cớ. Stress vì công việc đã đành, lại thêm chuyện tìm mãi chưa được người giúp việc ưng ý càng khiến Cẩm mệt mỏi. Ngày nào đi làm về, Cẩm cũng quay như chong chóng với hàng tá công việc nhà. Chồng Cẩm cũng bận tối mắt nên không thể giúp vợ chuyện bếp núc hay chăm con.
“Bày đồ chơi, nhắc con tự ngồi chơi nhưng chỉ vài phút, đã nghe thấy tiếng loảng xoảng đổ vỡ. Vội chạy lên thì thấy bộ ấm chén nằm chỏng chơ dưới đất. Hóa ra, cháu nhảy lên bàn cho siêu nhân bay cao hơn nên làm rơi ấm chén” – Cẩm kể.
Cẩm cho biết, cơn giận ngùn ngụt, Cẩm vớ ngay cán chổi, vụt liên tiếp vào bắp chân của con. Thấy con lăn ra sàn rồi gào khóc thật to, Cẩm mạnh tay hơn. May sao lúc đó, chồng Cầm về, kịp thời can thiệp. Đến khi kiểm tra thấy ấm chén không bị sứt mẻ gì, cô mới thấy hối hận vì chưa kịp hỏi nguyên do, đã “lao vào” đánh con. Theo Cẩm, cô quá kiệt sức với việc cơ quan và việc nhà nên không thể bình tĩnh với lỗi của con như thường ngày.
Tránh ‘giận cá, chém thớt’
Ngày nay, người mẹ lại phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc, chăm sóc gia đình nên có thể bị stress, dẫn tới phản ứng thái quá, ngay cả khi con mắc lỗi nhỏ. Có khi, phụ huynh không đủ kiên nhẫn và nhẹ nhàng để dạy con. Họ dùng luôn cách trừng phạt nặng tay vì đã sẵn cơn bực tức. Hậu quả để lại là có thể bé bị oan, lỗi nhỏ nhưng phải chịu hình phạt lớn; bé hoảng sợ và xa lánh cha mẹ; cách dạy dỗ của phụ huynh không đem lại hiệu quả… Rất nhiều cha mẹ biết quát mắng hay đánh đòn con là không nên nhưng khi nóng giận, không kiềm chế được nên vẫn tái phạm.
Là cha mẹ, khó có ai trách khỏi sơ suất hoặc phạt oan cho con. Điều quan trọng là cần biết kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình. Những ức chế trong công việc không nên để bị tích tụ khi về nhà…
Nếu đã biết sai thì lần sau cương quyết sửa sai. Có thể chọn cách xin lỗi bé và trình bày nguyên do ngay sau đó. Đừng ngại khi phải nói: “Mẹ mệt quá nên mới to tiếng với con” hoặc “Mẹ xin lỗi vì đã đánh con mà chưa tìm hiểu nguyên nhân”… Cách ứng xử như thế giúp làm gương cho bé, khi sai thì biết nhận lỗi và sửa chữa.
Khi mệt mỏi, hãy nhắc bé: “Mẹ đang rất mệt, nếu không muốn bị mẹ quát thì con phải ngoan”. Nếu bé mè nheo, tức giận, có thể ôm bé vào lòng, nói cho bé biết: “Mẹ hiểu con đang tức nhưng mẹ không thể chiều con được”. Nói cho bé nguyên nhân bị chối từ. Nếu bé còn khóc, thử hướng bé sang hoạt động khác. Nếu bé làm cha mẹ “phát điên”, thử đi sang phòng khác thư giãn một chút rồi quay lại, dạy bé tiếp.