Siêu âm thai kỳ với kết quả hoàn toàn bình thường, thế nhưng một tháng sau sinh, vợ chồng chị Hoa ở Thủ Đức, TP HCM, vô tình phát hiện cậu con trai không thể nhấc được cánh tay phải.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi thăm khám, bé Trịnh Minh Tiến được các bác sĩ xác định bị liệt do đám rối thần kinh ở tay có tổn thương. Nguyên nhân được nghĩ đến là do bé quá nặng cân lúc chào đời (hơn 5 kg), lại được mẹ sinh thường nên bị chèn ép, khó ra.
Các mẹ đưa trẻ bị liệt tay đến chữa trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. |
Cùng đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Lan, phụ huynh bé Nguyễn Trần An (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, cậu con trai 7 tháng tuổi của chị không thể đưa cánh tay phải cao hơn vai.
“Thấy tay cháu hoàn toàn bình thường nên những tháng đầu tiên chúng tôi không chú ý. Đến khi bà cháu kéo cánh tay phải của bé lên cao để thay áo thì nó khóc thét. Lúc này vợ chồng tôi mới tá hỏa”, chị Lan nói.
Chị Mai, mẹ cháu Nguyễn Thị Hồng Loan (3 tuổi) sống tại Tân Bình thì cho biết, lúc bé hơn một tháng tuổi, nhìn thấy cánh tay bất động của con, vợ chồng chị cứ tưởng bé bị trúng gió. “Đến khi vào bệnh viện, vợ chồng tôi mới biết con gái mình bị liệt do tổn thương đám rối thần kinh chỉ huy hoạt động của tay. Từ đó đến nay, do cháu ít vận động nên tay teo nhỏ hơn so với tay còn lại”, chị Mai nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi, nguyên nhân tổn thương đám rối thần kinh cánh tay khiến tay trẻ sơ sinh bị liệt do sự chèn ép hay kéo dãn vùng vai và cánh tay trong lúc sinh.
Tỷ lệ trẻ bị tật chiếm 1-5 bé trên 1.000 em ra đời còn sống, thường gặp ở những cháu được sinh thường, nặng cân mà khung chậu của sản phụ nhỏ. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sự yếu liệt một phần hay cả cánh tay ở bên có thần kinh bị tổn thương. Đa số trường hợp sẽ tự phục hồi sau một thời gian, tuy nhiên có những trường hợp không thể phục hồi và bệnh nhân sẽ bị liệt suốt đời nếu không được điều trị sớm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cùng với các chuyên gia phẫu thuật bàn tay và chi trên thuộc Viện Bàn tay của Paris (Pháp), trong tháng 3, lần đầu tiên tại VN, bệnh viện này đã phẫu thuật điều trị cho một số bé. Kết quả thu được khá khả quan.
Các bác sĩ Pháp khám cho bệnh nhi bị liệt tay tại BV Nhi Đồng 1. |
Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khoa đang phẫu thuật cho gần 20 bé bị yếu liệt cánh tay hay một phần cánh tay, không ngửa được cẳng tay, không gấp được khuỷu tay, không dạng được vai.
Bác sĩ Đặng Khải Minh công tác tại khoa Phỏng – Tạo hình – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, việc điều trị tuy khá phức tạp và khả năng hồi phục cần phải có thời gian. Song nếu so với việc tập vật lý trị liệu hoặc chữa trị bằng cách tác động cơ như trước đây, thì phẫu thuật được xem là giải pháp tối ưu để giúp các bé có thể vận động.
Ông Minh cũng cho biết, thời gian vàng để thực hiện phẫu thuật là các bé ở độ tuổi từ 3 tháng đến 9 tháng.