Nhìn cô con gái hơn một tuổi lấm tấm rôm sảy khắp mặt, lưng, liên tục đưa tay gãi rồi kêu ngứa, quấy khóc, chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) xót ruột vô cùng nhưng chẳng biết làm sao.
Cũng như chị, nhiều bà mẹ khác lo lắng khi thấy con bị rôm sảy mà tìm nhiều cách chữa cũng không khỏi.
Ngọc Mai (Thanh Oai, Hà Nội) sinh con vào đầu tháng 5. Những ngày nóng nực vừa rồi, con trai cô quấy khóc liên tục vì ngứa ngáy, khó chịu khi cả mặt lẫn toàn thân đều đỏ ửng những nốt rôm. Bà nội bé hôm nào cũng vò lá vòi voi, lá riềng tắm cho cháu nhưng chẳng đỡ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nho, Khoa da liễu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết, thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây nên hiện tượng viêm da (hay rôm sảy). Ngoài ra, những ngày oi nóng thường khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn, nếu không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, khi bị bụi hay chất cặn bã bịt kín, cũng làm da nổi các nốt viêm.
Trẻ nhỏ da rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị rôm sảy. Ở người lớn, lớp biểu bì dày hơn nên hiện tượng này ít đi.
Rôm sảy thường mọc thành đừng đám và hay tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ…
Theo bác sĩ Thanh Nho, với những trường hợp rôm sảy thông thường, chỉ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ. Có thể theo kinh nghiệm dân gian, dùng các loại cây, quả có tính mát như mướp đắng, kinh giới, sài đất, chanh… để tắm cho trẻ cũng có tác dụng tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại lá này cần phải rửa sạch kỹ trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm. Chọn loại phấn rôm chất lượng tốt chấm lên những vùng da bị rôm sảy sau khi tắm cho con cũng là một cách hạn chế tình trạng này.
Ngoài ra, với trẻ lớn đã ăn được có thể cho bé ăn uống các đồ mát như bột sắn dây, nước cam, chanh…
Tuy nhiên, không hẳn bài thuốc nào cũng có tác dụng với tất cả trẻ. Nhiều bà mẹ sau quá trình chữa rôm sảy cho con mới tích lũy được kinh nghiệm thành công cho riêng con mình.
Chia sẻ trên một diễn đàn các bà mẹ, chị Hương cho biết, để da con sạch, mát những ngày nóng, chị dùng nước ấm pha thêm chút muối rồi vắt thêm một hoặc nửa quả chanh và tắm cho bé. Tuy nhiên, với cách này, các bà mẹ phải để ý tỉ lệ chanh, muối với nước bởi nếu chanh, muối nhiều sẽ gây xót cho trẻ và dễ gây kích ứng làn da nhạy cảm của bé.
Một bà mẹ khác lại dùng cách mua cành lá kinh giới rồi về rửa sạch, đun sôi, pha nước tắm cho con. “Bé nhà mình cứ tắm loại nước này là hết bay rôm”, chị chia sẻ.
Để tiết kiệm thời gian hơn, chị Nhung – một thành viên khác của diễn đàn – còn tìm mua các loại lá mát như sài đất, vòi voi, kinh giới, tía tô, hương nhu rồi băm nhỏ phơi khô và cất vào túi nilong. Sau đó mỗi lần tắm cho con, chị lấy một nắm bỏ vào nồi rồi đổ nước sôi vào hãm, lọc bỏ bã lấy nước tắm cho bé. “Mình thấy bài thuốc này tốt vô cùng. Con mình từ lúc đẻ đến giờ không bị rôm sảy gì cả dù đẻ ra đúng những ngày nắng nóng nhất”, chị Nhung kể.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nho cho biết, tất cả những cách trên đều hiệu quả khi chữa rôm sảy bình thường cho trẻ nhỏ. Nhưng cũng từng có những trường hợp tắm lá mà trẻ không đỡ, thậm chí còn bị nhiễm trùng da. Đó là khi vùng viêm da quá nặng do trẻ ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ. Vì thế, nếu tình trạng con bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, tình trạng rôm sảy dày đặc, đỏ, kéo dài, bố mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu để khám và điều trị.
Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc, uống, dùng dung dịch dịu nhẹ tắm làm sạch cho bé, và có thể bôi thêm thuốc kháng sinh cho trẻ. Bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ không nên tự mua thuốc bôi da cho con.
Ngoài ra, để phóng tránh rôm sảy cho trẻ cần cho các bé mặc đồ thoáng mát, thấm mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày. Không nên dùng sữa tắm người lớn cho trẻ vì có thể có độ kiềm lớn, gây khô da. Ngoài ra, nên cho bé uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây…