Cắn là cách bé bộ lộ cảm xúc khi bực bội, bất an hoặc ghen tỵ. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân khiến bé cắn mà tìm cách trừng phạt ngay nên tất nhiên, không thể kịp thời giúp con kiểm soát hành vi.
1. Cho bé cái gì đó để cắn
Hãy tìm cho bé một vật thay thế khi bé muốn cắn bạn. Một chiếc khăn sạch, đồ chơi an toàn hay thức ăn là gợi ý phù hợp.
2. Để bé bận rộn
Hướng dẫn bé tham gia vào các trò chơi khác nhau. Những hoạt động thể chất như chơi với cát, nước, đất sét, các trò chơi ngoài trời sẽ lôi cuốn bé. Vui chơi giúp bé bớt bực bội và khi đó, giảm tần suất cắn.
3. Hạn chế mệt mỏi
Cắn có thể xảy ra khi bé cảm thấy quá sức. Vì thế, điều quan trọng là bạn chỉ nên yêu cầu bé làm không quá 2 việc cùng một lúc.
4. Cách ly
Bé cắn để biểu lộ sự tức giận. Do đó, bạn có thể cảnh báo: “Nếu con còn cắn, mẹ sẽ phạt con phải ở yên trong căn phòng khác ít phút”. Điều này sẽ hình thành nên nguyên tắc, bé sẽ bị phạt khi cắn.
5. Để mắt tới bé
Trước 3 tuổi, các bé thường rất khó khăn khi muốn chia sẻ đồ chơi. Dưới độ tuổi này, tốt nhất là bạn để mắt tới bé khi vui chơi để bé không cáu kỉnh vì bị cướp mất đồ chơi.
6. Khuyến khích hành vi tốt
Nếu bạn thấy một tình huống trước kia bé thích cắn mà bây giờ thì không, bạn hãy động viên bé và nhắc để bé không quên, cắn là chuyện không được phép.
7. Liên hệ với các bậc cha mẹ khác
Nếu bé nhà bạn là “kẻ cắn bạn chơi nguy hiểm”, bạn đừng xấu hổ, hãy cảnh báo với những bậc phụ huynh khác còn hơn là giấu giếm nó. Họ sẽ giúp bạn hạn chế hành vi này ở bé.
8. Nghiêm khắc
Có những tình huống khiến bé cau có và buộc phải cắn. Nhưng bạn cần nghiêm khắc để bé hiểu không được cắn người khác. Nhiều bé coi cắn như một trò chơi, nơi bé nhận được nhiều sự chú ý từ người khác. Nếu bạn nhắc nhở bé thường xuyên, bé sẽ sớm tiến bộ.
Theo Mẹ và bé / Thinkbaby