Các ông bố gặp rắc rối trong việc giao tiếp với con trai mình nên tìm cách để chúng hiểu rằng mình không bao giờ có ý định… “ăn thịt” chúng.
Bố là địch thủ đáng gờm
Các ông bố đừng tưởng rằng chỉ yêu thương con là đủ, nhất là đối với những cậu bé. Việc các nhà tâm lý khuyến khích các ông bố nên coi con mình như một người bạn không chỉ đơn thuần là gợi ý một phương thức giáo dục. Họ muốn tránh cho bố và con trai khỏi những xung đột kiểu như “sự lật đổ lẫn nhau” tồn tại trong vô thức của con người.
Có nhiều ông bố viết thư đến tòa báo phàn nàn rằng hình như thằng quý tử mà mình bao công chăm bẵm chỉ biết yêu mỗi mẹ nó, rằng họ cảm thấy bất lực khi muốn trò chuyện cùng con. Hoặc có nói được thì cũng chỉ được một lúc, không chỉ có con trai thiếu hợp tác, mà chính bản thân họ cũng trở nên mất kiên nhẫn.
Vậy mời các ông bố đi ngược lại thời gian, nhìn lại hình ảnh của chính mình và ông nội của con ngày xưa. Thậm chí không cần chuyến du hành ngược thời gian ấy, chỉ cần nhìn vào cách cư xử của mình với bố bây giờ, các quý ông sẽ nhận ra rằng đối với bố mình, tức ông nội của con, mình cũng chưa bao giờ thực sự hợp tác.
Lời khuyên của các nhà tâm lý học là gì? Ông tổ của ngành phân tâm học, bác sĩ tâm thần Sigmund Freud nói rằng đối với bố mình, ngoài vai trò làm con, đứa con trai luôn coi bố là một địch thủ đáng gờm nhất mà nó cần vượt qua. Hẳn các ông bố thấy điều này hơi kì quái nhưng hẳn ai cũng công nhận rằng, đứa con trai nào cũng muốn hơn bố.
Hãy tìm giải pháp nơi người phụ nữ
Nếu bản thân các quý ông khắc phục được nỗi sợ hãi người cha ngấm ngầm nằm sâu trong vô thức thì họ tất sẽ tìm được cách đối thoại với đứa con bé bỏng của mình.
Một nhân tố khác giúp các ông bố vượt qua điều này chính là vợ mình. Mẹ của các bé thì lúc nào cũng dịu dàng với các con nhất rồi nhưng đừng để sự nuông chiều thái quá khiến các cậu ấm thấy sự nghiêm khắc của bố là thậm vô lý, rằng bố chúng không yêu chúng.
Hơn nữa, trong lúc trò chuyện với con, các mẹ nên trò chuyện với bọn trẻ về bố chúng, giúp tháo gỡ những hiểu lầm giữa bố và con, nói với chúng rằng bố cần con coi bố như một người bạn.
Đương nhiên, nhân vật chính là các ông bố trong trường hợp này cần phải biết rằng đối với mình, đứa con luôn có một mặc cảm cần phải vượt qua, nên việc ngăn cấm các con một cách thái quá, thậm chí vô lối sẽ chỉ tự biến mình thành kẻ thù của con mà thôi.
“Sự thấu hiểu của người cha đối với mặc cảm này là vô cùng quan trọng, nếu không, ông sẽ nghĩ rằng con mình hư hỗn và ghét bỏ ông nhưng sự thực không phải như thế, đó là điều đã được mặc định trong lòng những đứa con trai”, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, chuyên gia phân tâm học hàng đầu Việt Nam nói.
Các nhà tâm lý học luôn khuyên các bậc phụ huynh: Tôn trọng là cách tốt nhất để một người cha tiếp cận với con mình, đối xử với chúng như một người đàn ông chứ không chỉ đơn thuần là cha – con là điều cần thiết để con trai không bị sức mạnh của totem chi phối quá nhiều, để vươn lên phát triển.
Theo Afamily