Mỗi năm trên thế giới có khoảng 83.000 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), khoảng gần 2.000 trẻ tử vong mỗi ngày. Tại Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2009 có khoảng 75.000 trường hợp trẻ bị TNTT.
Hơn lúc nào hết, vấn đề phòng chống TNTT cần trở thành mục tiêu quốc gia để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em.
Theo Tiến sĩ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chấn thương Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết: Theo một cuộc khảo sát cho thấy, những nguyên nhân dẫn đến tử vong do TNTT của trẻ em là: Đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng và ngộ độc.
Rất nhiều hiểm họa rình rập trẻ em
Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở trẻ em. Chiếm 50% tổng số tử vong do TNTT. Số lượng tử vong cao nhất ở nhóm tuổi 5 đến 14 tuổi (năm 2007, có 1837 trường hợp). Trẻ em nam có tỷ suất tử vong do đuối nước cao gấp hai lần ở nữ, và tình trạng tử vong vì đuối nước cao nhất tại Việt Nam là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hơn 24% tổng số trẻ em tử vong vì TNTT là do nguyên nhân tai nạn giao thông. Có khoảng 21% số nhập viện do tai nạn giao thông là trẻ từ 0 đến 19 tháng tuổi. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc: Tai nạn giao thông là nguyện nhân tử vong hàng đầu của nhóm trẻ từ 15 đến 19 tuổi.
Ngã không phải là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não và cột sống.
Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2008, bỏng là nguyên nhân của 1,9% số TNTT bị tử vong trong đó bỏng chất lỏng chiếm nguy cơ cao nhất. 50% số vụ bỏng xảy ra ở trẻ từ 1 đến 4 tuổi.
Ngoài ra, các dạng ngộ độc như: Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc dược phẩm, ngộ độc khí, ngộ độc chất lỏng và thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao nếu trẻ mắc phải.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH thì: “Thống kê tại 64 tỉnh, TP cho thấy: Năm 2009, cả nước xảy ra 75.000 trường hợp TNTT trẻ em, trong đó, tỷ lệ trẻ em bị chết do đuối nước chiếm 46% tổng số trẻ em bị TNTT.
Một thực tế cho thấy, TNTT là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước và cản trở sự phát triển của trẻ.
Theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB): Nền kinh tế Việt Nam hàng năm mất khoảng 30.000 tỷ đồng để chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, mất khả năng lao động do cả tử vong và cả bệnh tật gây ra.
Thêm nữa, các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ trẻ tử vong vào năm 2015 sẽ không đạt được nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do TNTT.
Từ năm 2003 đến năm 2010, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đặc biệt là Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Việt Nam đã đầu tư kinh phí khoảng 2 triệu USD cho công tác phòng chống TNTT ở trẻ em tuy nhiên tình hình TNTT vẫn gia tăng ở hầu hết các loại hình.
Tại hội nghị tư vấn cao cấp về phòng chống TNTT cho trẻ em Việt Nam, các nhà lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Việt Nam, UNICEF tại Việt Nam đều khẳng định: Để phòng chống TNTT cho trẻ em ở Việt Nam, nhất thiết cần một chương trình tổng thể.
Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định: Trong chương trình phòng chống TNTT cho trẻ em thì trách nhiệm của Nhà nước phải là cơ bản.
Các Bộ, ngành liên quan đều đưa ra các chiến lược cụ thể để cùng giảm thiểu TNTT cho trẻ em.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2020, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với ban, ngành, phổ cập kiến thức bơi và phòng chống đuối nước, từng bước đưa nội dung bơi vào chương trình học phổ thông.
Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất giải pháp: Chương trình quốc gia về công tác phòng chống TNTT cho trẻ em cần đặt ra những mục đích và mục tiêu khả khi có thể đạt được và có thể đo lường được, chương trình cũng cần điều phối và chỉ đạo bởi một ban chỉ đạo chức năng liên ngành đại diện các Bộ, ban, ngành.