Tôi đã đầu tư rất nhiều cho con gái mình với hy vọng con sẽ phát triển toàn diện nhất. Nhưng tôi đã sai lầm khi đi không đúng đường, cũng may là nhìn thấy và sửa chữa kịp thời.
Sinh con ra, ai cũng mong con mình được thông minh khỏe mạnh, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi biết rất rõ rằng sẽ phải làm mọi cách để con mình không bị tụt lại đằng sau với những đứa trẻ cùng tuổi khác.
Rút kinh nghiệm của những người đi trước trong việc nuôi dạy con, tôi đã áp dụng nhiều phương pháp nhằm giúp con gái mình trở thành “thần đồng”, mặc dù cháu chỉ mới có 2 tuổi.
Bắt đầu bằng việc cho con ăn thật nhiều loại thức ăn bổ dưỡng, ép cháu phải bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập múa ( tôi muốn cháu trở thành diễn viên múa giống mẹ), cho dù cháu luôn tỏ ra không thích và phản ứng bằng cách bỏ chạy đi chỗ khác hay khóc lớn mỗi khi tôi tập cháu múa.
Tôi cũng thường xuyên đưa cháu đến những buổi biểu diễn của mẹ với hy vọng con sẽ tiếp thu với những điệu múa và làm quen với ánh đèn sân khấu. Nhưng tất cả những việc đó đều không thành công, không những cháu không thích thú mà còn tỏ ra không hợp tác.
Trẻ con phải hoạt động, chạy nhảy vui chơi để rèn luyện sự hoạt bát thông minh. |
Ngoài ra, vì nghĩ rằng nếu đến trường con mình sẽ không được chăm sóc chu đáo, nên tôi thuê hẳn một bảo mẫu để giữ cháu trong những lúc mẹ đi làm. Tôi cũng hạn chế không cho cháu tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài vì sợ cháu sẽ dễ mắc bệnh, và sơ sẩy ra, con mình sẽ bị kẻ xấu bắt cóc. Chính những việc làm đó của tôi vô tình đã biến con gái mình thành đứa trẻ thụ động và không hoạt bát, thông minh và phát triển toàn diện như mục đích tôi đặt ra ban đầu. Cháu chỉ quanh quẩn trong nhà, cũng không bao giờ chào hỏi hay trả lời mọi người khi được hỏi mặc dù tôi đã hướng dẫn và dạy cháu rất nhiều lần.
Tôi bắt đầu nhận ra sai lầm của mình khi nhìn thấy con gái của một chị bạn trong đoàn múa vào hôm sinh nhật cháu. Cũng bằng tuổi với con gái tôi, nhưng cháu nhanh nhẹn và hoạt bát hơn hẳn, cháu tự tin và trò chuyện rất thoải mái với mọi người, thỉnh thoảng, cháu còn pha trò khiến mọi người cười vỡ bụng. Trong khi đó, con gái tôi thì lại rụt rè và có vẻ sợ sệt, cháu không nói gì, suốt buổi chỉ ngồi trên chân mẹ, không rời nửa bước, cũng không chơi trò chơi với các bạn. Điều này đã khiến tôi lo lắng thật sự.
Qua hỏi thăm tôi biết chị bạn mình đã có một cách nuôi dạy con hoàn toàn khác hẳn với mình. Sau đó, chị cho tôi mượn một số DVD về cách nuôi dạy trẻ mà chị đã thu thập được. Ngoài ra, tôi cũng tìm hiểu thông qua những tài liệu và những thông tin bổ ích trên các phương tiện truyền thông.
Từ đó, tôi bắt đầu để cháu tự do chơi những trò chơi mà cháu thích, giành nhiều thời gian hơn cho cháu tiếp xúc với môi trường, hằng đêm dành ra 10 phút để đọc truyện cho cháu nghe. Tôi vẫn cố gắng định hướng cho cháu theo nghề của mẹ, nhưng hoàn toàn không ép buộc cháu nữa, thay vào đó, tôi để bé nhảy múa theo ý thích của mình, không ép cháu vào những động tác múa mà cháu không thích và đăng ký cho cháu đi học mẫu giáo.
Thời gian đầu mới thay đổi thật khó khăn cho cả hai mẹ con tôi. Cháu xuống ký rất nhanh, nhưng giáo viên nói đó là biểu hiện thông thường với những trẻ lần đầu tiên đi học và làm quen với môi trường mới, nhưng khi đã thích nghi, cháu sẽ phát triển tốt hơn. Còn tôi thì không khỏi lo lắng không biết liệu cháu có hòa nhập được với một môi trường hoàn toàn khác với gia đình hay không, nhưng rồi, tôi biết mình đã lo lắng không đâu.
Bây giờ, con gái tôi đã thay đổi rất nhiều, cháu lanh lẹ hơn, nói chuyện nhiều hơn và bắt đầu thích đến trường. Sau mỗi ngày ở trường về, cháu luôn miệng kể đã chơi với bạn như thế nào, cô giáo dạy những gì và không quên nhắc mẹ ngày mai cho con đi học nhé. Cháu cũng cởi mở và biết chào hỏi người lớn trong gia đình hay mỗi khi được đưa đến nhà họ hàng chơi, chứ không còn tỏ ra lạ lẫm và sợ nhiều như trước. Tôi cũng phát hiện ra rằng, cháu thật sự không thích múa mà rất thích vẽ, cháu có thể ngồi say sưa để tô màu mà không biết mệt. Bao giờ đi chơi công viên, cháu cũng đòi bố mẹ cho tô tượng, vẽ tranh…
Nhìn con, tôi nhận ra một điều rằng: Trẻ con cũng cần có môi trường để phát triển. Trẻ cũng có những sở thích và năng khiếu riêng của mình, chỉ cần chúng ta quan tâm và để ý đến trẻ, chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Và quan trọng nhất là đừng đặt mục tiêu và nguyện vọng của cha mẹ trên vai con trẻ. Hay để trẻ tự do phát triển và vui chơi thoải mái theo sở thích của chúng. Sự giúp đỡ tốt nhất của cha mẹlúc này là kích thích đúng cách để giúp trẻ tối đa các khả năng và trí thông minh của mình, tự tin và dễ dàng hòa nhập với môi trường.