Tôi nhận ra một điều rằng, không phải cái gì cũng tự nhiên mà có được, như cây kim có mài mới có nhọn. Nên tôi luôn chú trọng việc đào tạo, rèn luyện con từ lúc mới sinh…
Lúc còn độc thân, tôi chẳng bao giờ để ý đến những từ ngữ liên quan đến việc nuôi dạy con cái sau này của mình. Nhưng từ khi sinh con, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để con mình thật thông minh và khỏe mạnh. Rồi tôi mới ngẫm nghĩ tới hai từ “Nuôi Dạy”. Tại sao hai từ này phải đi đôi với nhau? Thiếu đi một từ sẽ như thế nào nếu áp dụng thực tế?
Theo tôi, nếu tôi chỉ “nuôi” con, tức là cho ăn, cho mặc đầy đủ… nhưng con tôi có thể trở thành người tốt, có thể tự lo cho mình và có ích cho xã hội không? Còn nếu tôi chỉ “dạy” thì con tôi có đủ sức khỏe để tiếp thu những gì tôi truyền đạt hay không? Chính vì vậy, hai từ trên phải luôn đi đôi với nhau mới mang lại hiệu quả nhất trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng, phải nuôi như thế nào? Dạy như thế nào?
Không phải ai cũng có thể trả lời chính xác hai từ trên, thậm chí cả những bà mẹ có rất nhiều con đã lớn và thành tài. Bởi vì, chính ba mẹ mới là người hiểu con nhất, với mỗi đứa con của mình sẽ có phương pháp nuôi dạy riêng.
Tôi cũng vậy, tôi cũng có phương pháp nuôi dạy riêng của mình, tôi không thể nhất định lấy những phương pháp thành công đối với con người khác cho con mình được. Với tôi, để có đứa con thông minh khỏe mạnh là cả một nghệ thuật chứ không đơn giản như người ta hay nói “Trời sinh trời nuôi”, mà tôi luôn thực hiện đúng câu “Dạy con từ thuở còn thơ…”.
Từ khi phát hiện mình có thai, tôi lên kế hoạch khám thai, tiêm ngừa và ăn uống cho thật đầy đủ chất dinh dưỡng, nào là: uống nhiều nước, uống sữa, uống bổ sung sắt, vitamin, canxi… Tôi ăn đa dạng thực phẩm, chứ không hạn chế món nào hết ngoại trừ những gia vị như cay nóng ớt, tiêu… vì sợ làm… hỏng mắt con!
Bên cạnh đó, mặc dầu phải đi làm, tối về thì mệt mỏi nhưng tôi luôn tranh thủ nói chuyện với con mọi lúc mọi nơi.
Tôi khỏe mạnh đến lúc sinh, con trai đầu lòng tôi chào đời với chiều cao và cân nặng đạt chuẩn: 3kg, 50 cm. Vì phải đi làm, nên tôi cho con ăn sữa mẹ được 4 tháng thì chuyển sang sữa ngoài, thời gian đầu bé không chịu ăn nên bà ngoại phải đút từng muỗng từ ít đến nhiều để đảm bảo dinh dưỡng cho con. Khoảng một tháng sau bé chịu sữa ngoài và bú bình thật ngon lành.
Ban ngày thì tôi đi làm, chiều về vừa cho con bú vừa trò chuyện với con. Chính vì hay trò chuyện nên bé nhà tôi cứ “ê a” suốt ngày, mới 4 tháng tuổi bé biết quay đầu lại phía nghe người khác gọi tên mình rồi. Lúc này, bé đã biết lật, cầm lục lạc lắc lư rồi… quăng. Tôi hay hát và cầm tay bé vỗ vào nhau thì bé rất thích, cười tít mắt luôn! Bất cứ nơi nào, hễ có vật gì là tôi liền chỉ cho bé biết đó là cái gì; lúc đó, bé đều chăm chú nhìn theo và tôi biết rằng bé đang tiếp thu mặc dù bé chưa nói được.
Gần 6 tháng, tôi cho bé ăn dặm bột ngọt, chắc có lẽ món mới nên bé rất hứng thú nhưng chỉ ăn được vài muỗng là…quay đầu chổ khác. Tôi cho bé ăn thêm phomai, sữa chua… tuy chỉ ít thôi để bé làm quen. Trộm vía, bé khá cứng cáp, ngồi vững và chơi một mình ở tháng tuổi này và còn trườn nữa chứ. Bé cứ gọi papa, um um, … suốt ngày. Tôi rất vui khi một hôm tôi thấy bé tự vỗ tay và ê a nói gì đó như ca hát, giống như lúc trước tôi vừa hát vừa cầm tay bé vỗ vào nhau.
Đến tháng thứ 7, bé mọc hoàn chỉnh 2 cái răng cửa dưới đầu tiên, tôi chuyển sang cho bé ăn bột mặn ngày 2 lần, tôi không dùng bột chế biến sẵn mà mua bột gạo cao cấp chế biến với thức ăn tươi hàng ngày theo tỷ lệ đạm: vitamin: dầu – 3:2:1, còn bột thì tăng từ loãng đến đặc. Vừa bổ, vừa ngon lại đa dạng nên con ít khi không chịu ăn. Chính vì cái gì, con gì thấy, tôi đều chỉ nên khi gặp con chó, con mèo, con thằn lằn, bé ê a rồi trườn tới.
Đến tháng thứ 8, bé trườn dài hơn, tôi tập bé bò, tuy nhiên hễ nâng người chút xíu là bé chống chân đứng dậy vì lúc này bé thích đứng không chịu bò, bé có thể vịnh thành cũi để đứng lên mà không cần trợ giúp từ ba mẹ…
Đến gần tháng thứ 9, tôi cho bé ăn cháo loãng nhừ không xay với tất cả các loại thịt, cá, trứng, tôm… và nhiều loại rau củ băm nhuyễn công với dầu ăn cho bé. Bé ăn rất ngon lành, một ngày có thể ăn 2 chén cháo hơi lưng, sữa thì tầm 600-700 ml, 1 hủ sữa chua, 10g phomai và trái cây…
Lúc này, bé hay đòi hỏi, nhỏng nhẽo, hễ thấy ai đội nón là nhào tới đòi bồng đi. Chơi một mình được một lát là vịn tường đứng dậy, men theo tường mà đi. Buồn nữa, thì khóc đòi bồng rồi phát ra từ “di….choi” nên mọi người dịch là “đi chơi”vì lúc nhỏ mỗi lần bồng bé đi ra ngoài tôi đều nói “đi chơi con ơi”, nên vì vậy mà bé biết nói từ “đi chơi” sớm vậy. Gặp con chó thì kêu “umh cho”. Gặp thằn lằn thì giơ tay vẫy vẫy.
Đang cầm bất cứ vật gì, hễ có ai xòe tay nói “cho đi con” là đưa ra liền rồi… giật lại. Còn một khoản rất ngạc nhiên là hồi tháng thứ 8, tôi dạy con khoanh tay, gật đầu, nói dạ. Lúc đầu, bé đẩy tay ra, không chịu, đầu thì gồng cứng… tôi vẫn cố gắng tập cho con nhưng không ép. Lúc nào con chịu thì tập, không chịu thì thôi. Bây giờ, con tôi tự nhiên nắm hai tay lại, gật đầu nói “ạ” ngon lành.
Bây giờ có thể tự đứng chựng được hồi lâu, nghe nói “nhảy đi con” là hai tay quơ quơ, chân thì nhún nhảy liền mặc dầu đứng chưa vững.
Tôi nhận ra một điều rằng, không phải cái gì cũng tự nhiên mà có được, như cây kim có mài mới có nhọn. Nên tôi luôn chú trọng việc đào tạo, rèn luyện con từ lúc mới sinh theo từng giai đoạn phát triển của bé kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Kết quả mà tôi đạt được là chiều cao và cân nặng của con phát triển rất tốt lại còn thông minh hiếu động nữa chứ.
Nhìn con càng lớn càng kháu khỉnh thông minh và khỏe mạnh ít bệnh vặt, tôi rất vui với kết quả mà mình đã cố gắng. Tuy nhiên, tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để con mình phát triển thật toàn diện.