Vừa mang hạnh phúc được làm mẹ khi biết mình có thai, nhiều phụ nữ đã phải vật vã, khổ sở vì nghén. Đôi khi nghén không còn là hiện tượng thông thường mà là bệnh phải điều trị.
Do thay đổi nội tiết tố
Chị Mai Phương, 29 tuổi, ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội khi mang bầu bỗng dưng… sợ hơi cơm nóng. Chỉ cần ngửi thấy mùi cơm nóng bốc lên là chị buồn nôn.
Nghén thông thường nhất là thấy mệt mỏi, lợm giọng, chóng đói nhưng chỉ ăn được ít và dễ buồn nôn, sợ một số mùi đặc biệt hoặc tự dưng thích ăn một số thứ mà trước kia không thể ăn (chanh, me, sấu…). Theo truyền miệng và theo lời các bác sĩ sản phụ khoa, có người khi nghén lại thèm ăn vách tường, ăn đất…
Đôi khi nghén không còn là hiện tượng bình thường mà là bệnh phải điều trị. |
Giải thích về hiện tượng này, GS.TS Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, có thai được coi như có tạng ghép. Phôi thai tồn tại trên cơ sở bánh rau. Bánh rau sản xuất nội tiết tố khiến cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi. Do mang tạng ghép nên cơ thể người phụ nữ phản ứng lại bằng cách tìm những mùi vị “chưa được thưởng thức”, hoặc tự dưng chán ăn, sợ ăn.
Có thể khắc phục bằng truyền dịch
Nghén thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ – khi cơ thể người phụ nữ chưa thích nghi. Sau đó, các triệu chứng giảm dần. Khi nghén trở nên “quá đà”, kéo dài, nôn nặng dẫn đến mất nước, thai phụ thích ăn những thứ có hại cho sức khoẻ… là lúc cần điều trị.
GS.TS Nguyễn Đức Vy cho biết, trường hợp nôn nhiều gây sụt cân, mất nước, có thể khắc phục bằng truyền dịch. Việc truyền dịch cần theo tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý truyền khi chưa có chỉ định.
Với những đồ ăn, uống dễ gây nôn, đừng ép người mẹ phải sử dụng. Một số người nghén thèm ăn những đồ “kỳ quái” như gỗ, vách tường, người nhà nên động viên để thay bằng ngô rang, gạo rang.
Do nghén cũng liên quan đến yếu tố thần kinh, nên thay vì bắt ép người nghén không được ăn thứ gì đó, người nhà nên động viên, giải thích nhẹ nhàng, còn bác sĩ khám có thể “răn đe” để người mẹ hiểu, nếu cố tình sử dụng đồ ăn đó sẽ hại cho cả mẹ và con.
Một số trường hợp nghén nặng sẽ phải cân nhắc đình chỉ thai, bởi nếu để thai tồn tại sẽ nguy hiểm cho người mẹ. Nhất là xét nghiệm thấy chất hCG (viết tắt của “human chorionic gonadotropin”, là chất nội tiết tố được sản xuất trong quá trình mang thai) tăng cao thì sẽ càng phải lưu tâm đến việc có nên giữ thai hay không. Nghén nặng, kéo dài, chất hCG tăng cao cũng dễ xảy ra ở người chửa trứng, người mắc hội chứng tiền sản giật, rau bong non… nên không xem thường, chủ quan khi gặp hiện tượng nghén.
Theo BSCK2 Nguyễn Minh Nguyệt, phòng khám đa khoa Việt – Hàn, số 9 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, có thể khắc phục việc buồn nôn khi nghén bằng cách sử dụng đồ lạnh như: uống sữa lạnh, ngậm một viên đá… Có thể sử dụng thuốc Atopin, B1, B6 để khắc phục việc nôn, thuốc Priperang uống trước bữa ăn (thuốc sử dụng theo đơn bác sĩ). Bánh mỳ là đồ ăn tốt cho người mang thai. Người nghén nên ăn nhiều bữa, tạm thời tránh những tác nhân gây buồn nôn như hơi cơm, hơi nóng, mùi thức ăn xào nấu khi nóng… |