Lúc nào chị Hạnh cũng sợ mình béo và lo con bị béo phì nhưng vô tình, chị lại đẩy con vào tình trạng béo phì chính bởi tâm lý lo sợ của mình.
Hiện nay, vấn đề béo phì ở trẻ nhỏ được nhiều phụ huynh quan tâm nhưng không hiểu rõ cơ chế cũng như tình trạng của căn bệnh này, dẫn đến những lo ngại quá mức về trọng lượng cơ thể của con. Hơn nữa, chính tâm lý sợ béo của người lớn lại vô tình tác động không nhỏ đến tình trạng trọng lượng cơ thể của trẻ.
Ngoài việc lựa chọn các phương pháp giảm cân, thực phẩm bổ dưỡng, cha mẹ quên mất rằng tâm lý trẻ nhỏ là rào cản lớn nhất khiến việc giảm cân bị kéo chậm lại. Và thật không may, tâm lý đó là do chính cha mẹ tạo ra cho con nhỏ.
Trả lời những câu hỏi dưới đây để biết được liệu bạn có đang lo lắng quá đáng tới trọng lượng và sự tăng cân của chính mình và gây tác động lên con mình hay không:
- Hàng tháng, bạn có thường xuyên cân trọng lượng cho chính mình trước mặt các con hay không?
- Khi cả gia đình ăn uống cùng nhau, bạn có hay lựa chọn thức ăn riêng hay là ăn uống cùng với các thành viên khác?
- Liệu việc luyện tập thể dục có được bạn ưu tiên hơn so với các hoạt động khác hay không?
- Bạn có thường xuyên nói chuyện với các con về việc ăn kiêng, kiểm soát trọng lượng cơ thể, gầy hoặc béo.. không?
- Bạn có thường cảm thấy không hài lòng với những gì mình mặc vì cho rằng cơ thể quá béo và thể hiện điều đó công khai cho mọi người biết không?
Nếu bạn trả lời “Có” cho bất cứ câu hỏi nào phía trên, thì vô tình, bạn đã truyền tải cho con một thông điệp rằng bạn không hề hài lòng về cơ thể mình, và rằng cho dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng sẽ không bao giờ có được một trọng lượng lý tưởng. Khi đó, các con sẽ cho rằng rất khó (thậm chí là không thể) để có được một cơ thể khỏe mạnh, cân đối, vì thế không cần phải phấn đấu giảm cân nếu có bị béo phì.
Tâm lý của mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống và tăng cân của con.
Tâm lý của mẹ ảnh hưởng đến con
Cho dù con bị béo phì nhưng tâm lý của mẹ sợ hãi việc tăng cân sẽ dẫn trẻ đến suy nghĩ cực đoan về cân nặng của mình, dẫn đến sợ hãi khi bị kiểm tra. Đối với những trẻ thừa cân, chúng còn cho rằng: “Vì mẹ mình ghét bị béo và làm mọi thứ để giảm cân, thì mẹ hẳn sẽ ghét đứa béo phì như mình.” Điều đó đôi khi khiến trẻ cảm thấy tổn thương, xa cách cha mẹ.
Bây giờ, bạn đã biế được sự kết nối mạnh mẽ giữa nỗi sợ hãi của mẹ và tâm lý của con thì cần thay đổi hành vi của mình. Hãy cho con cơ hội được phát triển khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ bị rối loạn ăn uống do béo phì gây ra.
Chế ngự nỗi sợ hãi của mình
Thay vì sợ hãi vì béo phì, bạn cần nhớ, bất cứ hành vi nào của mẹ cũng được trẻ học theo, vì thế, hãy lựa chọn những thói quen lành mạnh, tạo ảnh hưởng tốt cho trẻ.
Dù sợ tăng cân, cũng không nên thể hiện nỗi sợ trước mặt con.
Bằng cách thực hiện các bước sau đây, bạn sẽ thấy nỗi sợ béo của mình sẽ tự nhiên mất đi, bởi vì lấn át hơn cả đó chính là mong muốn con bạn giảm được cân và không bị béo phì:
Bước 1:
Đừng bao giờ bước lên bàn cân trước mặt con bạn, nhất là khi con ở độ tuổi thiếu niên, dễ bị rối loạn về ăn uống nên những lo lắng xuất phát từ mẹ có thể tạo ảnh hưởng sang con.
Bước 2:
Không nói cũng như nhìn nhận tiêu cực về cơ thể mình, về cách bạn nhìn vào quần áo… trước mặt con bạn cho dù sau sinh, vấn đề cân nặng đang khiến bạn điên đầu.
Bước 3:
Hãy cố gắng ăn uống và tập thể dục điều độ, nếu có thể thì hãy tập luyện âm thầm và không nên cho con biết là tốt nhất. Bên cạnh đó, con bạn cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không được ăn quá nhiều cũng như bỏ qua các bữa ăn để giảm béo, luyện tập thường xuyên nhưng không được tập quá sức.
Đối với mỗi bậc phụ huynh, chăm lo sức khỏe và nuôi dạy con cái được ưu tiên hàng đầu, chính vì thế, đừng vì một số hành vi vô tình của mình mà ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi tỉ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng, cần thẳng thắn nhìn nhận và có biện pháp hướng dẫn con luyện tập mà không làm ảnh hưởng đến tâm lý con.