Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều công trình tại Hà Nội đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp… Tuy nhiên, những sân chơi dành cho trẻ em, đặc biệt vào dịp hè vẫn chưa được quan tâm.
Hà Nội hiện có gần 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Thế nhưng, 36% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ mà vẫn chưa được đầu tư cải tạo. Mặc dù, Hà Nội được coi là tụ điểm vui chơi, giải trí cho thiếu nhi nhưng có nhiều điểm vẫn còn nằm trong quy hoạch treo hoặc bao nhiêu năm qua vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Công viên nước Hồ Tây và công viên Vầng Trăng là 2 điểm thu hút nhiều trẻ em tham gia sinh hoạt trong dịp hè, cho dù giá vé vào cửa không rẻ và chỉ có một số trò chơi phù hợp với thiếu nhi. Trong khi đó, công viên Thủ Lệ có diện tích rộng, nhưng không thu hút trẻ vì không có trò chơi mới và các chuồng thú không sạch.
Còn công viên Thống Nhất có địa thế đẹp, gần trung tâm thành phố, có các khu vui chơi giải trí cho trẻ như: đoàn tàu hỏa Bắc – Nam tí hon, nhà gương, máy bay, ngựa đu quay, xe đụng… nhưng không còn sức hấp dẫn với trẻ em, do không được nâng cấp hoặc thay mới. Và công viên giờ chỉ còn là nơi để người lớn buổi sáng, chiều tập thể dục và thanh niên buổi tối vào tâm sự…
Chị Dương Thị Tường Vân, ở Võ Thị Sáu cho biết: “Mỗi dịp cuối tuần, tôi thường đưa con đến công viên Thống Nhất chơi, vì ở Hà Nội không có nhiều các điểm vui chơi. Nhưng trong công viên hiện có quá nhiều hàng quán ảnh hưởng đến việc vui chơi của các cháu. Tôi mong các cấp chính quyền có chính sách tu bổ, xây dựng, sửa chữa nâng cấp các loại đồ chơi mới hơn nữa, để cho các cháu chơi an toàn, tạo điều kiện cho các cháu vừa chơi vừa học.”
Bách Thảo là công viên quy tụ nhiều cây xanh cao niên, có không gian thoáng mát, cũng không có khu vực cho thiếu nhi giải trí, trừ một góc có sân trượt patin mà chủ yếu dành cho tập quân sự của các cơ quan, nên các phụ huynh rất ngại đưa con đến đây…
Các khu đô thị mới, khu chung cư, tập thể khi xây đều có thiết kế về khoảng không gian, khuôn viên vui chơi cho trẻ, nhưng trên thực tế khi được đưa vào sử dụng thì mọi vị trí đẹp đáng lẽ được dành cho trẻ vui chơi đều bị chiếm dụng để kinh doanh, trông giữ xe, bán hàng ăn, giải khát…
Cháu Hà Gia Linh ở phường Giáp Bát bày tỏ: “Ở chung cư nơi cháu ở thiếu sân chơi cho trẻ em, công viên và khu văn hóa. Chúng cháu vẫn thường xuyên đá bóng và chơi ở các vỉa hè cơ quan vào mỗi buổi chiều, vì không có sân chơi riêng dành cho trẻ. Mong muốn của cháu là sắp tới sẽ có khu vui chơi dành riêng cho trẻ em để cho bọn cháu được vui chơi an toàn.”
Trong khi các công viên chưa thực hiện đầy đủ chức năng hoạt động, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, thì hệ thống các nhà văn hóa Thiếu nhi ở Hà Nội cũng trong tình trạng thiếu các hoạt động vui chơi cho trẻ em.
Tại Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội, ngoài các hoạt động hướng dẫn, rèn luyện năng khiếu với mức phí quy định, còn các trò chơi trước sân Nhà văn hoá đều là dịch vụ phải trả tiền. Bình thường Cung Thiếu nhi có khoảng 4.000 em sinh hoạt nhưng đến dịp hè tăng khoảng 13.000 em.
Ông Lại Hồng Đăng, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết: “Các điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội hiện thiếu rất nhiều, yếu về các chủ đề nội dung. Thứ nhất, cần có mặt bằng, diện tích cho các em chơi. Thứ hai, cần có nguồn tài trợ từ các quỹ, chính quyền, và phải coi như đó là một phần trách nhiệm xã hội thì trẻ em sẽ có nhiều sân chơi hơn.”
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Khẩu hiệu đó ai cũng thuộc và nó được nhắc đến nhiều. Đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ cần được coi là những công trình phúc lợi công cộng, cần cả xã hội cùng chung tay giải quyết./.