Được yêu thương, được nâng niu chăm sóc, nhưng trẻ em vẫn có thể phải đối diện với những biến cố trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Với người lớn, vượt qua những biến cố đã không hề dễ dàng, với trẻ em điều này lại càng khó.
Trẻ rơi vào trầm cảm
Trẻ em rất dễ rơi vào trầm cảm
Em trai M.N. (chín tuổi) lúc nào cũng buồn bã, sức học kém dần và thường xuyên đến lớp trong trạng thái mệt mỏi. Vốn là một học sinh (HS) năng động, hoạt bát, gần đây, M.N. không tham gia hoạt động nào của lớp, không muốn giao tiếp với ai. Cuối cùng, chính cô giáo là người gửi em đến chuyên viên tư vấn tâm lý (CVTVTL) học đường.
Qua trò chuyện, CVTL phát hiện M.N. bị sốc nặng sau cái chết bất ngờ của ông nội. Dù được mẹ giải thích con người ai cũng phải già và mất đi… nhưng M.N. vẫn cứ buồn, khóc mãi khiến mẹ nổi giận và cấm “con trai không được khóc nhè. Khóc nhè là rất đáng xấu hổ”. Sợ mẹ la, M.N. chỉ dám khóc thầm. Ba tháng sau ngày ông mất, M.N. rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, thường xuyên gặp ác mộng và dễ nổi giận, cáu kỉnh với mọi người.
Còn H.N.C. (12 tuổi) lại có những biểu hiện TL bất thường như không thích giao tiếp với bạn bè, hay gây hấn và thường xuyên có thái độ phản ứng thầy cô. Điều mà trước đây một HS giỏi nhiều năm liền như C. chưa từng mắc phải. Cha mẹ C. vô cùng ngạc nhiên khi được nhà trường mời lên làm việc vì những lý do trên. Họ càng hốt hoảng khi nhận được lá thư C. gửi cho mẹ, thể hiện thái độ chán ghét cuộc đời, oán hận cha mẹ và nói nhiều đến cái chết. Tại phòng khám sàng lọc, tư vấn dự phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí của bà mẹ và trẻ em Tuna (thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng), C. thú nhận, nguyên nhân sự thay đổi của em bắt nguồn từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ.
Cha mẹ ly hôn, C. ở với mẹ. Nghĩ con đã lớn, đủ để hiểu mọi vấn đề của cuộc sống nên cha mẹ C. chỉ giải thích đơn giản rằng cha mẹ không hòa hợp nên chia tay…. “Có lẽ do lúc đó người mẹ cũng quá căng thẳng và đau buồn nên không còn thời gian trò chuyện với con. Đã vậy, chị còn giữ con ở nhà, không cho con đi chơi với bạn bè hoặc tham gia các hoạt động xã hội, lúc nào cũng chỉ học và học. Vừa trải qua biến cố lớn, ảnh hưởng TL nặng nề mà không có người an ủi, chia sẻ, C. rơi vào tình trạng rối loạn TL” – TS Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna cho biết.
Cũng theo TS Bưởi: bên cạnh những biến cố trong gia đình, phòng khám Tuna cũng tiếp nhận không ít trẻ có vấn đề TL vì phải thay đổi môi trường sống, môi trường học hành một cách đột ngột. Lên lớp 10, P. (16 tuổi) không đủ điểm vào học chung trường có đông bạn bè thời cấp II nên cảm thấy rất bơ vơ ở trường mới. Không thể thích nghi với môi trường, P. càng khó kết bạn với những người em cho là xa lạ. Chưa hết stress vì chuyện trường lớp, M.P. tiếp tục “sốc” khi bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách ăn mặc hơi khác người. Cha mẹ P. bận rộn với công việc, không mấy quan tâm đến con, cho đến một ngày, P. uống nguyên cả vỉ thuốc paracetamol để kết thúc cuộc đời…
Từng điều trị khá nhiều trường hợp rối loạn tâm thần ở trẻ em, chuyên viên TL Trương Quốc Cường (Khoa Tâm lý – BV Nhi Đồng II TP.HCM) cho biết: “Trẻ ở mọi độ tuổi đều có thể phải đối mặt với các biến cố như: gia đình ly tán, mất mát người thân, nhà có thêm em bé, thay đổi môi trường sống, bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường… Thậm chí có những điều mà người lớn cho là bình thường nhưng với trẻ lại là bất bình thường và nếu không được nâng đỡ tinh thần, trẻ sẽ khó vượt qua. Ngay như việc dậy thì, với không ít trẻ, cũng là một biến cố lớn vì những thay đổi về tâm sinh lý, hình dáng cơ thể, khiến trẻ không hiểu, thậm chí không chấp nhận bản thân mình và rơi vào trầm cảm”.
Vai trò của cha mẹ
Vai trò của cha mẹ trong việc giúp con vượt qua biến cố rất quan trọng
Người lớn, khi gặp biến cố cũng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và không dễ dàng vượt qua nếu không có sự can thiệp của các chuyên viên, bác sĩ (BS) TL. Sự trầm cảm này với trẻ em càng nặng nề do trẻ chưa đủ kinh nghiệm sống, bản lĩnh và khả năng thích ứng, đối phó với những biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giúp con vượt qua biến cố rất quan trọng. Theo các BS TL, đó là trạng thái TL rối loạn thích ứng trước những thay đổi đột ngột của cuộc sống.
CVTL Quốc Cường cho biết, sự rối loạn thích ứng sẽ khiến trẻ có những cảm xúc, hành vi khác thường, thậm chí có những thay đổi hoàn toàn khác trong ứng xử, hành vi và cảm xúc. Tùy theo mức độ và lứa tuổi, trẻ bị rối loạn thích ứng sẽ có các biểu hiện: buồn bã, không thích giao tiếp, căng thẳng, hay cáu gắt, giận dữ. Ở trẻ nhỏ có thể có thêm những biểu hiện khác như khóc nhiều, khó ngủ, mơ thấy ác mộng… Trẻ lớn hơn sẽ trở nên bướng bỉnh, khó bảo, không thích sống theo quy củ, nền nếp, chán học, đánh bạn… Cá biệt, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng II đã từng can thiệp cho một trường hợp trẻ trầm cảm sau khi gia đình xảy ra biến cố: trẻ không bao giờ có cảm giác no khi ăn. Từ một trẻ bình thường, bé bị béo phì chỉ trong hai tháng.
Nhiều BS thần kinh và chuyên gia TL khẳng định: Trẻ gặp biến cố, dù nhỏ nhưng nếu không được quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần kịp thời, cũng dễ rơi vào trạng thái rối loạn TL và dẫn đến trầm cảm. Nguy cơ tự tử rất cao với những trẻ bị trầm cảm kéo dài.
Việc giải thích những biến cố cho trẻ, theo các chuyên gia TL cũng không thể qua loa, lấy lệ hoặc giải thích theo suy nghĩ, cảm nhận của người lớn. Cha mẹ cần tìm cách giải thích đơn giản, dễ hiểu phù hợp với trẻ.
Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau và không ai có thể hiểu con bằng chính cha mẹ. Cũng như người lớn, sức chịu đựng và ứng phó của mỗi trẻ tùy thuộc vào thể chất, cảm xúc, sức chịu đựng của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần có thời gian gần gũi và hiểu cá tính, TL, cảm xúc của con để có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời và thích hợp khi trẻ phải đối mặt với biến cố.
Theo TS Lã Thị Bưởi: “Ngoài việc dành nhiều thời gian trò chuyện, an ủi con, cha mẹ có thể phối hợp thêm với các CVTL để tư vấn và hỗ trợ cho trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ niềm tin vào cuộc sống, giúp con cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm của cha mẹ, cho dù có bất kỳ biến cố nào xảy ra. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần hướng con đến những hoạt động thể chất lành mạnh, tham gia sinh hoạt đội nhóm, sinh hoạt cộng đồng để trẻ có thêm nhiều thời gian giao tiếp với bạn bè, giải tỏa căng thẳng, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống”.